CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ
Toàn cảnh đại biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Đại biểu Quốc hội thể hiện sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, sửa đổi luật hiện hành sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tại khoản 1, Điều 1 (về sửa đổi, bổ sung khoản 4) quy định: “Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 1 (về sửa đổi, bổ sung điểm h, khoản 1, Điều 10), khoản 4, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung 4, Điều 11) quy định đối tượng cảnh vệ còn có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Do đó, đại biểu đề nghị sửa lại nội dung này theo hướng: “Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Đối với khoản 1, Điều 1 quy định: “Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và các nguy cơ khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ”.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại cụm từ “công cụ hỗ trợ”, bởi theo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công cụ hỗ trợ được giải thích: “Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được trang bị, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp”. Như vậy, công cụ hỗ trợ là công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, người thi hành công vụ,... nên không cần thiết đưa nội dung này trong công tác kiểm tra an ninh, an toàn.
Ngoài ra, dự thảo luật sử dụng nhiều từ “địa điểm hoạt động”, đây là biện pháp cảnh vệ đối với các chức vụ, chức danh theo quy định, được áp dụng cùng các biện pháp bảm đảm an ninh khác như đảm bảo an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc. Tuy nhiên, để đầy đủ hơn, đại biểu đề nghị sửa các cụm từ “địa điểm hoạt động” trong dự thảo luật thành “nơi công tác, địa điểm tham gia các hoạt động” để rõ ràng, cụ thể hơn.
Quan tâm góp ý quy định về các biện pháp cảnh vệ trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 1, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích một số biện pháp cảnh vệ, như: Biện pháp kiểm tra an ninh, an toàn; biện pháp kiểm nghiệm thức ăn, nước uống; biện pháp sử dụng thẻ, phù hiệu. Việc bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết, góp phần hoàn thiện Luật Cảnh vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị thiết kế một điều riêng trong Chương II quy định về các biện pháp cảnh vệ, bao gồm các nội dung bổ sung ở phần giải thích từ ngữ và các biện pháp cảnh vệ khác đã được nêu trong Luật; sau đó quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ đang được thiết kế theo các quy định tại Chương II.
Về sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Văn Huy nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Tại điểm e khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 10 về đối tượng cảnh vệ như sau: “đ. Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự”.
Với quy định này, dự thảo luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cơ bản nhất trí với quy định như dự thảo luật, nhưng với đối tượng cảnh vệ là “đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức”, đại biểu cũng đề nghị thu hẹp theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ; cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.