Góp ý vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên thảo luận tổ vào chiều 24/5, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất về sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.
Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự án Luật này nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, phòng, chống khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên.
Rà soát, phân biệt rõ các khái niệm để tránh chồng lấn
Về phần giải thích từ ngữ, điểm b khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật định nghĩa: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao” là chưa hợp lý.
Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, với mô tả này thì trên thực tế có rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ dao được coi là vũ khí (có tính sát thương cao) với dao sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi, tránh gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Khoản 11 Điều 3 của dự thảo Luật giải thích từ ngữ cho “công cụ hỗ trợ” nhưng quy định này lại có nhiều điểm chồng lấn với quy định về vũ khí quân dụng tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật. Ví dụ: điểm a, b “…các loại súng công cụ hỗ trợ”, “…bộ phận cơ bản cấu tạo nên các loại súng…”.
Đại biểu nhận thấy, việc không phân biệt rõ hai khái niệm này dẫn tới việc xác định, áp dụng chính sách quản lý đối với vũ khí và công cụ hỗ trợ sẽ gặp khó khăn. Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị rà soát lại quy định về hai khái niệm này để tránh chồng lấn và quy định phân biệt rõ giữa vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ.
Xem xét lại quy định thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ (Điều 5), khoản 12 Điều 5 của dự thảo quy định cấm “… hoặc quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 7 Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo “Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.” Vì vậy, dự thảo này không cần thiết quy định về vấn đề quảng cáo, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
Khoản 15 Điều 5 dự thảo quy định “báo cáo không kịp thời… về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” bị xếp vào các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, quy định “không kịp thời” là khái niệm chưa rõ, do đó, đại biểu đề nghị hoặc là bỏ, hoặc là quy định theo hướng định lượng hơn (ví dụ: xác định thời gian vi phạm nghĩa vụ báo cáo) để bảo đảm tính khả thi.
Về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, điểm a khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật quy định: Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp “hợp nhất, sáp nhập”.
Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét lại quy định này, nếu tổ chức, doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập không làm thay đổi điều kiện được trang bị, cấp phép thì vẫn được phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ mà không bị thu hồi, chỉ cần thực hiện thay đổi tên của chủ thể được quản lý, sử dụng./.