THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH
TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ, KHẢ THI VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của quốc gia. Mục đích xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tướng Khuất Việt Dũng chia sẻ những vấn đề xung quanh dự án Luật này.
Trung tướng Khuất Việt Dũng, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Thưa Trung tướng Khuất Việt Dũng, hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng là hoat động có những đặc thù và cần có luật lệ riêng để thực hiện. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, ông thấy có chính sách nào cần hoàn thiện thêm?
Trung tướng, ĐBQH Khuất Việt Dũng: Trước hết tôi cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, những nguyên tắc, những quy định chung. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên có một điều quy định về các chính sách cho công nghiệp quốc phòng, chỉ trong những chính sách đó, mới thể hiện những gì ưu tiên cho phát triển công nghiệp quốc phòng, những cơ chế đặc thù vượt trội. Tôi đồng tình với 6 chính sách đã đưa ra nhưng cần quy định hoàn chỉnh hơn để thể hiện tính đặc thù vượt trội của các quy định, đặt trong một tổng thể thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhà nước. Theo tôi, các chính sách ưu tiên về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo một cơ chế, chính sách đặc thù và đặc biệt, cần phải thể hiện cụ thể trong các Điều luật
Bên cạnh đó, Chính sách về đối ngoại, hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, cần phải được thể chế hóa, chính sách đặc thù về việc phát triển khoa học công nghệ về công nghiệp quốc phòng và an ninh. Chính sách huy động thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Theo tôi, quy đinh về quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, tôi đồng tình với đề xuất tách ra thành hai quy hoạch về hệ thống công trình và khu quân sự mới đảm bảo tính thực tiễn.
Phóng viên: Thưa Trung tướng, hiện cơ chế chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển công nghiệp quốc phòng có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên đang gặp nhiều vướng mắc đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị. Vậy theo ông, cần quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi trong dự thảo Luật?
Trung tướng, ĐBQH Khuất Việt Dũng: Tôi cho là hiện nay công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của đất nước đã được đổi mới đã được thay đổi nhiều, nhưng vẫn còn rất vướng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị. Thực tế chúng tôi làm trong những năm vừa qua thấy rất vướng. Quy trình hiện nay để triển khai từ việc nghiên cứu, thử nghiệm và đưa sản phẩm vào sản xuất loạt "0" cho đến đưa vào trang bị thì vô cùng phức tạp. Trải qua rất nhiều bước, từ nghiên cứu ban đầu, sau đấy đến AT, rồi đến sản xuất thử,... Theo quy trình hiện nay, một đời sản phẩm mất từ 8 đến 10 năm, thậm chí còn nhiều hơn, như vậy không đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản phẩm; trong cơ chế mua sắm các vật tư cho hoạt động khoa học cũng vậy, nếu theo các luật hiện nay như thủ tục rồi về mặt đấu thầu. Trong khi đó, có những loại vật tư, vật liệu, số lượng cần rất ít mà cũng không thể đặt hàng được trên các thị trường mà thường phải mua bằng hình thức chỉ định và thậm chí mua vật tư đó theo tính chất tránh các quy định, lách các quy định của các nước. Vì vậy phải có những quy định cụ thể riêng cho hoạt động khoa học công nghệ, bằng cách quy định cơ chế giao nhiệm vụ xuyên suốt từ khi nghiên cứu cho đến khi chế thử rồi sản xuất, thử nghiệm và đưa vào sản xuất.
Theo tôi, trong quy định về cơ chế giao tự chủ cho doanh nghiệp công nghiệp, quốc phòng an ninh trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở khoản 1 Điều 18 là phải giao cơ chế tự chủ. Hiện nay, trong hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng được Quỹ về phát triển khoa học công nghệ thì phải cho người ta tự chủ trong phát triển sản phẩm vì nhiều sản phẩm rất cần nghiên cứu sản xuất kịp thời để đồng bộ những bán thành phẩm cho một loại vũ khí. Cho nên, phải có những đặc thù.
Tôi xin góp ý thêm về cơ chế và chính sách thu hút trọng dụng nhân tài có chất lượng cao. Hiện nay, Nhà nước ta có Nghị định 40 năm 2014 của Chính phủ quy định về chính sách thu hút, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Tuy nhiên, rất khó áp dụng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Vì vậy tôi nhất trí với quy định tại Điều 51 của dự thảo Luật về các cơ chế, chính sách, các thẩm quyền được giao cho các chuyên gia, các nhà khoa học ở các nước, việc sử dụng ngân sách, các cơ sở vật chất, việc tiếp cận thông tin, các hỗ trợ từ các hoạt động phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các phòng thí nghiệm khác, rồi bằng ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ.
Phóng viên: Thưa Trung tướng, đối với các cơ chế, chính sách cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh ở Điều 47, có đưa khái niện về “ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng”. Quan điểm của ông thế nào?
Trung tướng, ĐBQH Khuất Việt Dũng: Đối với quy định tại Điều 47 về các cơ chế, chính sách cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh. Ở đây có 2 vấn đề đặt ra. Đó là việc nghiên cứu làm rõ các quy định cụ thể về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng, phương thức liên kết, hợp tác, phân công, chuyên môn hóa các cơ chế, chính sách đặc thù và yêu cầu đưa vào giải thích khái niệm "Tổ hợp công nghiệp quốc phòng".
Tôi thấy đây là một khái niệm mới. Mặc dù việc này được đặt ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tiến tới xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhưng bản thân tôi thấy, hiện nay trong thực tiễn chưa có mô hình này. Và ở các nước cũng chưa thấy mô hình “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” này. Hiện nay nếu đưa vào trong Luật này thì quá sớm, nên cơ quan thẩm tra vẫn đang phân vân là tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cơ cấu tổ chức hay là phương thức vận hành thiết.
Cho nên, tôi đề nghị chưa nên đưa vào, để qua thực tiễn sau này chúng ta thực hiện xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo Luật mới được ban hành một thời gian nếu vận hành tốt rồi thì sửa đổi, bổ sung.
Phóng viên: Xin cảm ơn Trung tướng Khuất Việt Dũng.