CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC NÊU TOÀN DIỆN, TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM HƠN KHI ĐỔI MỚI CHẤT VẤN

08/11/2023

Đánh giá về 2,5 ngày phiên chất vấn, các chuyên gia kinh tế đặc biệt ấn tượng những đổi mới trong hoạt động chất vấn và cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng các vấn đề được nêu có trọng tâm, trọng điểm và toàn diện hơn, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đã thể hiện tinh thần cầu thị, không né tránh các vấn đề cử tri quan tâm.

ĐBQH DƯƠNG KHẮC MAI: CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ TRẢ LỜI THẤU ĐÁO, ĐỀ RA NHIỀU GIẢI PHÁP NHẰM QUYẾT LIỆT THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CHẤT VẤN SÔI NỔI, TRÁCH NHIỆM, TRỰC DIỆN CÁC VẤN ĐỀ, CÁC BỘ TRƯỞNG GIẢI TRÌNH RÕ RÀNG, THẲNG THẮN

Tại kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ và tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan 21 lĩnh vực khác nhau, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, diễn biến các phiên chất vấn cho thấy, sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp 21 lĩnh vực khác nhau này thành 4 nhóm lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, tạo thuận lợi cho cả đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP)

Theo dõi phiên chất vấn TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP) đánh giá cao các đại biểu đã tập trung vào đúng nội dung chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến Kỳ họp thứ 4. Các bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện nắm chắc vấn đề, nêu ra được nhiều giải pháp cho các nội dung được chất vấn.

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng bày tỏ ấn tượng với cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội. Trước mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đều nêu rõ định hướng nội dung cần tập trung; kịp thời lưu ý các đại biểu cần bảo đảm về thời gian, chỉ chất vấn một vấn đề thực sự tâm đắc để dành thời gian cho nhiều đại biểu hơn. Chủ tịch Quốc hội còn làm rõ về đầu tư công và chi thường xuyên, qua đó giúp chính các đại biểu, các cơ quan của Chính phủ, cử tri hiểu rõ được vấn đề.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, các đại biểu Quốc hội chất vấn đến cùng những vấn đề đặt ra với đầu tư công là rất cần thiết, để đưa ra giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là rất cần thiết khi tỷ lệ giải ngân vẫn còn chậm, mới chỉ đạt trên 50%, trong khi đó khối lượng giải ngân năm nay cực lớn, hơn 700.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân đạt mục tiêu 95% kế hoạch sẽ tạo nền tảng rất quan trọng cho tăng trưởng những năm tiếp theo. 

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng đồng tình với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công mà Chính phủ đưa ra, trong đó cần cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong phần chuẩn bị đầu tư; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, xem như là một dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước…Để giải quyết căn cơ việc chậm giải ngân đầu tư công, rất cần những đột phá trong cách tiếp cận vấn đề, trong cách làm, có phương án quản trị rủi ro. Trong xây dựng kế hoạch dự án, cần có phân tích, đánh giá rủi ro cũng như đánh giá tác động tổng thể, khi đó chúng ta sẽ tránh phải đi giải quyết vấn đề mang tính tình huống như tình trạng thiếu nguyên liệu, thay đổi giá cả… Những giải pháp thí điểm như tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hay việc quy hoạch đồng bộ giữa tuyến đường giải phóng mặt bằng với quy hoạch các nguồn nguyên phụ liệu cần phải được nâng lên thành quy định chung, sẽ tạo sự chủ động và đẩy nhanh triển khai thực hiện. Đặc biệt, những tranh luận tại nghị trường về quan điểm đẩy mạnh dự án hợp tác công – tư. Rõ ràng, để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cần chấp nhận có sự rủi ro, có sự đồng hành, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp nhiều hơn thay vì quá cẩn trọng, chỉ quan tâm đến bảo toàn nguồn vốn, tránh sai sót.

TS. Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp

Còn TS. Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp đánh giá chất lượng của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 khá tốt. Các đại biểu Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi bám sát thực tiễn. Phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, sắc bén và phải nói là đầy kinh nghiệm. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cũng rất thẳng thắn, không né tránh, đặc biệt phần trả lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

TS. Hoàng Trọng Thuỷ bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, điều quan tâm nhất là tăng số lượng hợp tác xã cần đi đôi với chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện các hợp tác xã có nguy cơ phát triển thiếu bền vững, bởi các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng với hợp tác xã khi có khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng ổn định, nông sản có mã vùng, mã số, có truy xuất nguồn gốc. Điều này chỉ có được khi các thành viên liên kết chặt chẽ, nếu không thì doanh nghiệp khó “bắt tay” với hợp tác xã, chuỗi cung ứng sẽ rời rạc, đứt gãy.

Theo TS.Hoàng Trọng Thuỷ, để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, cần thay đổi cách phân loại hợp tác xã. Các cấp địa phương cần rà soát, đánh giá cho đúng các loại hình hợp tác xã nông nghiệp hiện nay để có chính sách hỗ trợ phát triển đúng, kịp thời. Điều cần nhất là hành động với việc Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành Nghị định hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ nông dân kịp thời điểm Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực (1/7/2024) để triển khai đồng bộ. 

TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế

Đối với chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân ấn tượng với sự liên kết câu hỏi và câu trả lời, với 1 câu hỏi có thể có sự tham gia trả lời của nhiều thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Theo TS. Lê Chí Nhân, điều làm nên thành công của phiên chất vấn chính là phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội, rất linh hoạt, nắm bắt sâu sát vấn đề, liên kết câu hỏi của đại biểu với lĩnh vực trong ngành này với ngành khác, từ đó đã có những câu trả lời mang tính bao trùm, nêu bật những điểm chưa được để các bộ trưởng, trưởng ngành rút kinh nghiệm. 

Quan tâm đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS. Lê Chí Nhân, đồng tình với quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi trả lời đại biểu về lộ trình tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Để tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, phải đánh giá tổng thể lĩnh vực tài chính, tín dụng của toàn bộ khối ngân hàng và các yếu tố liên quan.  Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, quan trọng nhất là cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Hiện nay, ngân hàng đặt ra 10 tiêu chí thì mới cho vay, điều này rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, cần có những tiêu chí rõ ràng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa xuống cho tất cả các ngân hàng. Ngoài ra, đánh giá 3 năm vừa qua, doanh nghiệp giải ngân, chấp hành thế nào để có những tiêu chí, điều kiện phù hợp để có thể tiếp nhận vốn và phát triển. 

Hải Yến

Các bài viết khác