ĐBQH DƯƠNG NGỌC HẢI: CẦN NÂNG TỶ LỆ ĐẶT CỌC VÀ QUY ĐỊNH BIÊN ĐỘ TỶ LỆ ĐẶT CỌC TỐI THIỂU VÀ TỐI ĐA, TRÁNH TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP BỎ CỌC

08/11/2023

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Dương Ngọc Hải, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần nâng tỷ lệ đặt cọc lên mức 10% và quy định cho rõ về biên độ chênh lệch giữa tỷ lệ đặt cọc tối thiểu và tối đa để tránh tình trạng doanh nghiệp bỏ cọc khi tham gia đấu gíá

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU TÀI SẢN: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

Thời gian qua, có những trường hợp các doanh nghiệp hoặc cá nhân tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt để phục vụ cho ý đồ cá nhân. Có thể họ tham gia đấu giá tài sản nhưng mục đích không phải để mua tài sản mà là để thao túng thị trường hoặc hình thành mặt bằng giá mới v.v. Đại biểu Dương Ngọc Hải, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cụ thể  xung quanh những vấn đề cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản như quy định chênh lệch gía khởi điểm và bước giá tiếp theo, quy định tiền đặt cọc, các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá

Đại biểu Dương Ngọc Hải, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa đại biểu, sửa đổi Luật Đấu gía tài sản với mục tiêu cao nhất là đảm bảo quy trình, thủ tục đấu giá mang tính công khai, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Vậy theo ông, những quy định quan trọng nào cần lưu tâm để đảm bảo mục tiêu này?

ĐBQH Dương Ngọc Hải: Theo tôi, đầu tiên chúng ta phải chú ý quy định về chênh lệch giữa giá khởi điểm với lại giá bỏ lần đầu hoặc từ giá bỏ lần đầu với giá bỏ lần hai và các bước giá tiếp theo thì chúng ta cần phải quy định rõ ràng như thế nào ở mức chênh tối thiểu, tối đa, bỏ đến mức nào là vừa. Trong thực tế hiện nay có những doanh nghiệp cá nhân khi họ bị kích thích lên thì họ bỏ thoải mái, có thể vượt xa giá trị của tài sản đấu giá hoặc là vượt xa khả năng yêu cầu, khả năng tài chính của họ để họ mua được, miễn làm sao họ bỏ giá cao vì mục đích của họ không hẳn là mua được tài sản đấu giá mà có thể là mục đích khác, thao túng hình thành mặt bằng giá mới hoặc là phô trương thanh thế, v.v.. Những vấn đề này cần quy định chặt chẽ.

Thứ 2 là quy định tiền đặt cọc, kể cả tiền phạt như thế nào để ràng buộc được những người tham gia đấu giá để họ thấy rằng nếu như họ vi phạm luật thì có thể họ sẽ bị mất tiền cọc và bị thiệt hại về tài chính, nếu không khéo thì mục đích của họ là khác. Đi vào cụ thể, đối với các hành vi bị nghiêm cấm là để lộ, lọt thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi. Theo tôi, quy định này chúng ta sẽ rất khó chứng minh về hành vi trục lợi. Nếu như chỉ xem rằng việc để lộ danh tính của người tham gia đấu giá là hành vi cấm thì nên mở rộng hành vi cấm, có nghĩa là bỏ "nhằm mục đích trục lợi" ra, nếu có nhằm mục đích trục lợi thì sẽ thu hẹp hành vi này. Nên bỏ hành vi nhằm mục đích trục lợi để mở rộng việc tiết lộ thông tin người đấu giá là hành vi bị nghiêm cấm.

Thứ 3 về quy định về người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá. Theo tôi, quy định này  không khả thi vì người có tài sản có thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, đặc biệt là cá nhân thì họ sẽ không thể nào có điều kiện để họ đi thẩm tra về năng lực, điều kiện của người hoặc các tổ chức tham gia đấu giá tài sản. Theo tôi, việc thẩm tra, xác minh, kiểm tra năng lực của cơ quan, tổ chức tham gia đấu giá tài sản phải giao cho tổ chức để đứng ra đấu giá tài sản thì chúng tôi cho là hợp lý hơn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, về tỷ lệ tiền đặt cọc, hiện vẫn có 2 luồng ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của đại biểu để đảm bảo tính khả thi thì cần quy định theo hướng nào?

ĐBQH Dương Ngọc Hải: Đúng là hiện có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất là giữ nguyên theo luật hiện hành là tiền đặt trước là 5%. Nhưng theo tôi với thực tiễn trong thời gian vừa qua nên nâng tiền đặt cọc này lên 10% để khắc phục tình trạng thời gian vừa qua những doanh nghiệp lợi dụng việc đấu giá, họ sẵn sàng bỏ tiền cọc, mất tiền cọc, mục đích của họ là việc khác, nên cần nâng lên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh thì cần phải quy định cho rõ về biên độ chênh lệch giữa mức đặt cọc tối thiểu và mức đặt tối đa. Có thể chúng ta quy định là 5-10% thì nó có 6-7-8-9% hoặc là trên 10%, tùy theo giá trị tài sản hoặc vị trí tài sản. Có thể quyền sử dụng đất có những vị trí rất đặc biệt, đất vàng, mình sẽ có quy định khác hơn là quy định bình thường. Đồng thời, tôi cũng đề nghị ngoài việc mất tiền cọc cần phải phạt nghĩa vụ tài chính để cho người đấu giá thấy rằng nếu như họ không chấp hành quy định pháp luật hoặc họ đấu giá không vì mục đích mua được tài sản thì có thể họ sẽ vừa mất tiền cọc mà vừa bị phạt nghĩa vụ tài chính.

Phóng viên: Thưa đại biểu, có ý kiến cho rằng, trong dự thảo Luật còn thiếu quy định về trường hợp đấu giá không thành. Quan điểm của đại biểu có cần thiết phải quy định trường hợp này không?

ĐBQH Dương Ngọc Hải:  Đúng là dự thảo luật sửa đổi chưa thấy quy định về việc đấu giá không thành, nhưng đây theo tôi cần quy định trường hợp này. Hiện nay quy định pháp luật đã có nhiều trường hợp đấu giá, đặc biệt là đấu giá tài sản công của Nhà nước thì quy định là chỉ đấu giá và đấu giá làm sao cho bằng được. Nhưng hiện nay, thực tế có nhiều trường hợp là tài sản công hình thành từ ngân sách nhà nước, đi vay để bỏ ra đầu tư, nếu như đấu giá lần đầu không thành, không có người mua, bây giờ mình lại quy định tiếp tục đấu giá lần hai mà đấu giá lần hai là phải cộng với tiền lãi suất vay ngân hàng. Lần đầu giá đó đã không có người mua rồi, lần sau cộng thêm lãi suất là nâng số tiền lên thì làm sao có người mua và lần thứ ba lại tiếp tục, càng kéo dài thì lãi suất càng cao. Như vậy thì không thể đấu giá thành công được, không thể mua được nên là chúng ta nên có một quy định nào khác. Vì đấu giá trong thi hành án dân sự có quy định về hạ tiền đấu giá, nếu như đấu giá không thành thì có thể hạ xuống, có thể hạ lần 1, lần 2, lần 3, có nhiều trường hợp hạ chục lần, miễn làm sao đấu giá thành vì mục đích đấu giá của chúng ta là khác, chứ không phải lúc nào cũng phải bán được tài sản giá cao thì mới là đấu giá. Có thể mục đích chúng ta là đưa tài sản đó vào đầu tư sớm để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, để tránh lãng phí và thu tiền ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta ôm tài sản đó hoài mà cứ một năm lại trả lãi cho tài sản đó thì vừa không khai thác được tài sản vừa gây ra rất nhiều lãng phí.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác