ĐBQH NGUYỄN VĂN THUẬN: CẦN ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT GIỮA LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

08/11/2023

Chiều 8/11, góp ý tại Phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị, cần đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa dự án Luật này và các luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn khi áp dụng trong thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ, KHẢ THI VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN gồm 07 chương và 73 điều. Nội dung Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.

Trình bày Tờ trình dự án luật, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng cho biết, dự thảo luật cũng bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

 Đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các luật liên quan

Cơ bản đồng tình với những nội dung cơ bản của Tờ trình và dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, Dự thảo Luật phải kế thừa tối đa các quy định của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003 và tổng kết 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về CNQP, an ninh.

Đại biểu nhấn mạnh, về cơ sở chính trị, cần khẳng định “xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; CNQP và AN là ngành đặc thù, phải được chăm lo. Vì vậy, sự ra đời của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc ban hành Luật là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cơ bản đồng tình với những nội dung cơ bản của Tờ trình và dự thảo Luật.

Cũng theo đại biểu tỉnh Ninh Thuận, cần đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo tính phối hợp, liên hệ, tương thích của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến các luật khác như Luật Doanh nghiệp trong các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; các quy chế, cơ chế tài chính của các tổ chức tham gia trong động viên công nghiệp hay các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp Nhà nước có thể trưng dụng, trưng mua sản phẩm sở hữu trí tuệ, chuyển giao sáng chế, giải pháp sáng kiến kỹ thuật… cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hoặc những nội dung về vũ khí, quân trang quân dụng, vật liệu nổ cần có sự liên thông với các pháp luật liên quan. Đồng thời, nghiên cứu đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong trường hợp giải quyết sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển vũ khí, cháy nổ…

Rà soát lại cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Góp ý hoàn thiện quy định cụ thể tại Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị rà soát quy định về: giải thích từ ngữ; về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; quy định chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp;… Cụ thể:

Về giải thích từ ngữ. Khoản 12, Điều 2 Dự thảo quy định “12. Dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh là các dịch vụ về tư vấn, phi tư vấn, thương mại, đầu tư, công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh do cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị bỏ khái nhiệm “phi tư vấn”. Theo đại biểu, nếu để nội dung trên trong nội dung khái niệm thì phải có sự giải thích “phi tư vấn là gì”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận góp ý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. 

Về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh: Khoản 7, Điều 18 quy định "7. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan”.

Theo đại biểu, tinh thần chung của nội dung quy định này là tạo điều kiện và phát huy cao tính chủ động sáng tạo của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, rà soát lại nội dung này, bởi hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng an ninh thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ nhưng Luật này nội dung quy định về miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước, các đối tượng khác ngoài Nhà nước chưa được quy định cụ thể.

Về quy định chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp: Điểm c, Khoản 2, Điều 49 quy định “2. Trong thực hành động viên công nghiệp, doanh nghiệp được:

c) Hưởng ưu đãi về thuế khi sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ cho nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế”;

Đại biểu cho biết, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp dân sự không thuê đất trực tiếp từ nhà nước, mà thuê đất từ doanh nghiệp khác (như thuê đất trong khu công nghiệp). Do vậy, để đảm bảo chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất trong trường hợp doanh nghiệp thuê đất từ tổ chức khác./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác