PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƯỚNG DẪN CỘNG ĐỒNG THỰC HÀNH DI SẢN TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ

11/10/2023

Để bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần sớm có quy định cụ thể hướng dẫn cộng đồng thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong thời gian tới.

ĐBQH, PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: CẦN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG AN TOÀN TRONG MÙA DỊCH 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Chủ thể di sản là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…). Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn

Liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hiện còn vẫn nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên theo, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần nhìn vấn đề này theo hướng tích cực, đó là chỉ khi quan tâm, yêu di sản, chúng ta mới lên tiếng bảo vệ. Tuy nhiên, cách mỗi người bảo vệ, tôn vinh khác nhau vì quan điểm khác nhau. Thông qua tranh luận, dần dần mọi người sẽ nhận thức đúng, đầy đủ, hình thành quan điểm vững chắc về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ đó thống nhất nhận thức, hành động, bảo vệ phát huy di sản tốt hơn. Trong quá trình đó, câu hỏi quan trọng phải trả lời thấu đáo là: Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho ai? Chúng ta mong muốn phát huy giá trị di sản để làm gì?

Khi bàn về quản lý di sản có hai quan điểm quan trọng, và hai quan điểm này đều đúng, vấn đề là vận dụng như thế nào. Thứ nhất là bảo tồn nguyên vẹn trong bối cảnh không gian và tính lịch sử của nó. Thứ hai là bảo tồn di sản có sự kế thừa, phát huy, di sản có đóng góp, chức năng trong điều kiện xã hội cụ thể. “Cái cần quan tâm nhất là đánh giá của cộng đồng thực hành tín ngưỡng với thay đổi này. Nếu họ cho những thay đổi đó là tốt, làm giàu có hơn giá trị của di sản thì điều đó là đúng, còn ngược lại, điều đó là sai. Tôn trọng ý kiến của cộng đồng là như vậy.”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho hay.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần thống nhất cộng đồng thực hành, cộng đồng sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cộng đồng chủ thể chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình trên cơ sở hiểu rõ giá trị di sản, có hiểu biết đầy đủ, chia sẻ thông tin lẫn nhau, có sự đoàn kết, thống nhất để phát huy giá trị di sản của mình.

Thực tế, di sản văn hóa vô cùng quan trọng nhưng mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Các địa phương khi tổ chức sự kiện, lễ hội, liên hoan liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản hết sức nhạy cảm, cần có sự tham vấn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông qua Cục Di sản văn hóa (dù đã có sự phân cấp, phân quyền cho các địa phương), bởi đây không phải là sinh hoạt văn hóa làm ở đâu cũng được, làm gì cũng được.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa, khi có những vấn đề xảy ra, cần trao đổi với các bên có liên quan để có thông tin cụ thể, chính xác, từ đó ban hành văn bản quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có quy định cụ thể hơn nhằm hướng dẫn cộng đồng Thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn kỳ vọng trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở hình thức nghị định, thông tư trong khi chờ sửa đổi Luật Di sản văn hóa để quản lý tốt hơn, không chỉ bảo tồn mà còn phát huy giá trị di sản văn hóa chung của đất nước./.

Thu Phương