PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: BẢO VỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG XU THẾ HỘI NHẬP TOÀN CẦU

09/10/2023

Văn hóa ngày càng quan trọng và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia thế giới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong xu thế hội nhập toàn cầu, cần tập trung bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên bản lĩnh để hội nhập tốt hơn.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG DÂN TỘC

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HIỆN THỰC HÓA CÁC MỤC TIÊU VĂN HÓA THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Vấn đề văn hóa hiện nay được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng và vai trò của văn hóa với mỗi quốc gia, cũng như Việt Nam như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ rằng, văn ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới. Văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Thế giới càng mở cửa hội nhập hơn thì nền văn hóa của quốc gia, dân tộc nào cũng cần được đầu tư kỹ càng. Không chỉ để tăng cường "sức đề kháng" mà sâu hơn là nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, không bị trộn lẫn, hòa tan. Đương nhiên, văn hóa Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.

Không chỉ vậy, sau khi chúng ta đã cơ bản vượt qua những nhu cầu cơ bản của con người, đời sống tinh thần dần quyết định chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của con người và cả thịnh vượng của quốc gia. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của cả thế giới đối với văn hóa. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa, mỗi quốc gia đều có những cách phù hợp để phát triển văn hóa của mình.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 rằng: “văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Các quốc gia giờ đây tập trung nhiền hơn cho việc bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên bản lĩnh để hội nhập quốc tế tốt hơn.

Văn hóa là được coi như giá trị thương hiệu, quyền lực mềm, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa ở Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, thể hiện ở hàng loạt các hội thảo như "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam" do Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức, "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" do Quốc hội chủ trì tổ chức, hay gần đây là chuổi các sự kiện "Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam", cũng như các hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Bắc Ninh, Hà Tĩnh,... nghị quyết riêng cho văn hóa, công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh hay Hà Nội,... với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa…

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Văn hóa chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” vào năm 2022

Gần nhất là sự kiện đối ngoại quan trọng Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam chúng ta đăng cai tổ chức đã dành hẳn một Phiên thảo luận chuyên đề cho nội dung về văn hóa với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” và nhận được sự ủng hộ, quan tâm rất lớn từ nhiều quốc gia tham dự. Điều đó thể hiện qua việc phiên họp vô cùng sôi nổi với các ý kiến phát biểu và thời lượng kéo dài thêm gần một giờ đồng hồ so với dự kiến ban đầu.

Rõ ràng, đối với mỗi quốc gia, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển bền vững. Bởi lẽ, văn hóa là những giá trị chung của một cộng đồng, là môi trường tạo ra những giá trị đạo đức, tư tưởng, truyền thống, phẩm chất con người và  khuyến khích sáng tạo trong xã hội. Văn hóa cũng phản ánh nhận thức và ý thức của một quốc gia, giúp tô điểm nét đẹp văn hóa của dân tộc và thể hiện khía cạnh đặc biệt của từng quốc gia.

Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 năm 2023

Đối với Việt Nam, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển  đất nước, góp phần định hình ý thức và giá trị con người, sức mạnh dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam như tình yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình... đã góp phần tạo ra một môi trường  thuận lợi cho việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phóng viên: Với vai trò là một nhà văn hóa, một đại biểu Quốc hội, ông có thể gợi ý những giải pháp quan trọng để ngành văn hóa Việt Nam chúng ta hướng đến trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, Đảng ta đề ra nhiệm vụ chiến lược gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước.

Đảng ta đã xác định “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc thực hiện nhất quán, đồng bộ quan điểm này là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện được điều đó, tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung vào 5 giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, cần tạo ra môi trường thuận lợi cho sáng tạo và đổi mới.  Nhà nước cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho người sáng tạo và nghệ sĩ, thông qua các hành lang pháp lý (không chỉ là những chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp đến điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa,... mà cả những chính sách, luật pháp gián tiếp như đất đai, thuế, hợp tác công – tư,...) hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực này, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp hỗ trợ tài chính và  đào tạo văn hóa và nghệ thuật tốt hơn. Ngoài ra, cần cung cấp các khoản vay và chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Thứ hai, cần xây dựng liên kết và hợp tác trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, cần thiết lập các liên kết và hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm  Nhà nước, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng và nghệ sĩ. Các chương trình đào tạo, trao đổi thông tin và  nguồn lực, cũng như việc tạo ra các cơ hội kinh doanh và tiếp thị, sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thứ ba, cần khuyến khích phát triển thị trường văn hóa. Nhà nước cần khuyến khích tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Việt Nam, bao gồm sách, phim, âm nhạc, mỹ thuật và thời trang... Tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân để quảng bá và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời, cần thúc đẩy người tiêu dùng trong nước để tiêu thụ và ủng hộ các sản phẩm văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo văn hóa, nghệ thuật bằng cách tạo ra các chương trình đào tạo và nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo để phát triển tài năng và kiến thức trong lĩnh vực này. Đầu tư vào việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và các khoa học văn hóa, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu và dự án đào tạo, và khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ năm, tăng cường việc bảo tồn và  phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước cần đầu tư bảo tồn và  phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam, như di tích lịch sử, kiến trúc truyền thống, nghệ thuật dân gian.... Đồng thời, cần xây dựng và thúc đẩy các hoạt động giáo dục và nhận thức cộng đồng để tăng cường sự nhận thức và tình yêu với các giá trị văn hóa độc đáo của quốc gia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức