ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẮT BUỘC BỔ SUNG THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VỀ ADN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

10/10/2023

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo quy định rõ cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước; đồng thời cân nhắc quy định bắt buộc bổ sung thông tin sinh trắc học về ADN trong cơ sở dữ liệu căn cước.

LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI) CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ CẤP GIẤY TỜ CHO NGƯỜI GỐC VIỆT KHÔNG CÓ QUỐC TỊCH

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục xem xét, thông qua dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Trong lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, đa số đại biểu đều thống nhất cần thiết sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư… Để dự thảo luật đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao, đảm bảo tính khả thi, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đang tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đối tượng chịu tác động để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)

Quy định rõ cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước bao gồm: “Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, tại Điều 30 dự thảo Luật cũng quy định cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước, vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước đối với nội dung thu hồi thẻ căn cước. Có thể bổ sung cụm từ “thu hồi” vào khoản 5, Điều 6 theo hướng: “Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này”.

Mặt khác, tại Điều 28 dự thảo Luật quy định có các cơ quan quản lý căn cước như: Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an, cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý căn cước Công an cấp huyện. Do đó, để thuận lợi trong quá trình áp dụng văn bản, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ cơ quan quản lý căn cước thực hiện việc thu hồi thẻ căn cước trong các trường hợp cụ thể.

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước, đại biểu Vương Thị Hương cho biết, điểm b, khoản 2 Điều 24 dự thảo Luật quy định trình tự , thủ tục cấp thẻ căn cước cho người đủ 14 tuổi trở lên thực hiện như sau: Người tiếp nhận thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ”. Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 16 dự thảo luật quy định về thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói). Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định về thông tin sinh trắc học để đảm bảo thống nhất giữa các điều khoản của dự thảo Luật.

Đối với quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 29), đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật, thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước do Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an; đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay.

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật quy định người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; tại Điều 24 dự thảo luật quy định trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước “đối với người dưới 6 tuổi không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học”, đại biểu cho rằng, việc trẻ dưới 6 tuổi không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học, chỉ còn thông tin về nhân thân và lai lịch, như vậy thông tin cũng không khác trên giấy khai sinh.

Bên cạnh đặc điểm nhân dạng chưa ổn định, trẻ em mới sinh, trong cùng một thời điểm phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như: mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, căn cước công dân dẫn đến việc gây lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí mỗi lần cấp, đổi thẻ, và tăng ngân sách nhà nước trong bộ máy tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, cũng như để thống nhất, có thể xem xét quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Quy định như vậy vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích của công dân để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu thông qua cha mẹ, người giám hộ. Đồng thời đề nghị có quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trong việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân của đối tượng này.

Cân nhắc quy định bắt buộc thông tin sinh trắc học về ADN trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Đóng góp ý kiến về thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10) dự thảo Luật, trong đó khoản 10 quy định thông tin về nhóm máu, đại biểu Vương Thị Hương nêu thực tế hiện nay không phải cá nhân nào cũng có thông tin về nhóm máu, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều người dân không biết mình thuộc nhóm máu nào. Nếu quy định “nhóm máu” là thông tin bắt buộc như dự thảo, người dân sẽ tốn thời gian, chi phí để thực hiện xét nghiệm và không phải cá nhân nào cũng có điều kiện để thực hiện. Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị xem xét giữ nguyên quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành, theo đó quy định “Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó”, hoặc nếu không, nên có lộ trình cập nhật với thông tin về nhóm máu cho đảm bảo phù hợp, khả thi.

Về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), tại khoản 3 quy định về thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Dự thảo luật cũng quy định thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước được thu thập, cập nhật từ các nguồn như: từ việc kết nối chia sẻ thông tin với co sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từ tàng thư căn cước, trường hợp từ 2 nguồn này không có đủ thông tin, sẽ thu thập, cập nhật từ cá nhân. Nghĩa là thông tin nào còn thiếu, chưa có trong cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa có trong tàng thư căn cước thì công dân phải bổ sung thông tin.

Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị quy định theo hướng linh hoạt đối với thông tin sinh trắc học về ADN trong cơ sở dữ liệu căn cước

Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị xem xét quy định theo hướng linh hoạt đối với thông tin sinh trắc học về ADN theo yêu cầu của công dân, không phải quy định bắt buộc như dự thảo Luật, hoặc có lộ trình cụ thể thực hiện, bởi chi phí làm xét nghiệm ADN tương đối lớn, không phải người dân nào cũng có điều kiện, nhu cầu thực hiện, và không phải cơ sở y tế nào ở địa phương cũng thực hiện được việc xét nghiệm ADN. Quy định thông tin sinh trắc học ADN bắt buộc sẽ tác động tới nhiều người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cho ý kiến về thông tin sinh trắc học về giọng nói, dự thảo quy định áp dụng “đối với người dưới 14 tuổi thực hiện cấp căn cước công dân theo yêu cầu”, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển, giọng nói sẽ thay đổi theo độ tuổi phát triển, liệu có cần thiết phải thu thập thông tin sinh trắc học giọng nói; ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét quy định đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19), tại khoản 1 dự thảo Luật quy định về các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm: “Nơi đăng ký khai sinh”. Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì đăng ký khai sinh, gồm: Đăng ký khai sinh và đăng ký lại khai sinh.

Thực tiễn hiện nay cho thấy có không ít người phải đăng ký lại khai sinh. Trường hợp phải đăng ký lại khai sinh, nhưng nơi đăng ký và cơ quan đăng ký lại khai sinh khác với nơi đăng ký và cơ quan đăng ký khai sinh lần đầu sẽ ảnh hưởng đến thông tin ghi trên thẻ căn cước, dẫn đến phải điều chỉnh thông tin Nơi đăng ký khai sinh trên thẻ căn cước. Nếu nơi đăng ký và cơ quan đăng ký lại khai sinh ở tỉnh khác, phải thu hồi thẻ căn cước, hủy bỏ mã định danh và thực hiện thủ tục cấp mã định danh và thẻ căn cước mới theo mã tỉnh đã đăng ký lại khai sinh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nếu vẫn quy định thông tin “Nơi đăng ký khai sinh”, thì có thể thống nhất quy định “Nơi đăng ký khai sinh lần đầu”, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch; đồng thời tránh việc phải điều chỉnh, sửa đổi thông tin trên thẻ căn cước mỗi khi công dân đăng ký lại khai sinh.

Lan Hương