NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO Ở ĐỊA PHƯƠNG

09/10/2023

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ là nơi nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn là cầu nối quan trọng để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng hệ thống này ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…

KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TẠI SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI 

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khảo sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2020 tại nhiều địa phương trong cả nước

Thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã khảo sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2020 tại nhiều địa phương trong cả nước.

Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia và dư luận xã hội lâu nay đặc biệt quan tâm khi thời gian qua, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả. Các chủ trương, chính sách của Đảng về nguồn lực đầu tư, chế độ, chính sách cho viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tuy đã có nhưng việc thể chế hóa còn chưa theo kịp thực tiễn. Vấn đề dễ thấy đầu tiên là sự xuống cấp của cơ sở vật chất vì thiếu đầu tư.

Từ thực tế khảo sát cho thấy, thực trạng các thiết chế văn hóa ở nước ta đang vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu cực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở; góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đắk Nông có nhiều khó khăn của một tỉnh mới thành lập nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư. Đặc biệt hệ thống thư viện đã “phủ sóng” tất cả các huyện, thư viện nhà trường được tăng cường. Hàng năm, nhiều chuyến xe lưu động đưa sách, mang kiến thức đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 640/713 bon, buôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao. Hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên, nâng cao đời sống của bà con cũng như tăng cường giao lưu giữa các đồng bào dân tộc với nhau. Nhà văn hóa cộng đồng là nơi diễn ra hội nghị tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa nghị quyết của địa phương vào đời sống. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, câu lạc bộ dân vũ, đàn tính, hát then, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ… được tổ chức ở nhà văn hóa cộng đồng. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng cho biết, việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở Đắk Nông cũng có nhiều hạn chế

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng cho biết, việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở Đắk Nông cũng có nhiều hạn chế. Hầu hết nhà văn hóa cộng đồng có diện tích nhỏ, không đủ sức chứa lượng cư dân lớn. Với những nhà văn hóa cộng đồng liên thôn, người dân khó khăn trong việc đi lại. Nhà văn hóa cộng đồng xây dựng đã lâu, không được duy tu, bảo dưỡng nên phần lớn bị xuống cấp; một số mới được xây dựng khang trang nhưng không có kinh phí để bảo quản. Việc kêu gọi kinh phí xã hội hóa cho hoạt động văn hóa không được nhiều, kinh phí đầu tư cho văn hóa thấp, cán bộ làm công tác ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, chế độ đãi ngộ thấp. 

Để giải quyết bài toán về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết gắn liền với chương trình phát triển văn hóa như: thực hiện các đề án bảo tồn di sản văn hóa truyền thống; ưu tiên địa phương có lễ hội, văn hóa đặc sắc để tập trung đầu tư cho các thiết chế văn hóa; phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa tại địa phương; tăng cường tổ chức hội thi, hội diễn, nghệ thuật quần chúng…

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tăng cường phối hợp giữa các ngành để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; tăng cường kiểm tra nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, thể thao của người dân được nâng lên, tác động trở lại với sự phát triển của thiết chế văn hóa, thể thao.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, nhiều công trình văn hóa đã ra đời từ cấp trung ương đến cấp cơ sở; các thiết chế văn hóa ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nội dung hoạt động của các trung tâm văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện tương đối đa dạng, phong phú, thường xuyên có sự đổi mới. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản tập trung vào tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, thông tin, hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao... Đây thực sự là nơi giúp gắn kết cộng đồng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Theo đại biểu Đông, những kết quả trên đạt được là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế. Kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế này còn thiếu và yếu về chuyên môn, thiếu chủ động, sáng tạo.

Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp; Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao một số nơi chưa được quan tâm quy hoạch…/.

Thu Phương