ĐBQH ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CÔNG CHỨC, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHÀ Ở XÃ HỘI

06/10/2023

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là bổ sung chính sách về nhà ở xã hội nhà ở cho lực lượng vũ trang, với giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Để hoàn thiện quy định này, một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về bố trí quỹ đất, hình thức nhà ở, đối tượng được thụ hưởng chính sách…

LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): CẦN ĐẢM BẢO TÍNH TƯƠNG THÍCH, THỐNG NHẤT VỚI LUẬT PHÁP LIÊN QUAN

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có rất nhiều quy định có liên quan đến nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đây cũng là một sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước cũng như là của các cơ quan đối với lực lượng vũ trang. Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Hưng cho rằng vẫn còn một số quy định cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 45 quy định về đối tượng và điều kiện để thuê nhà ở công vụ, trong đó quy định về các đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan. Đây là đối tượng rất đúng và rất rõ nhưng vẫn còn thiếu đối tượng là lực lượng công chức, công nhân và viên chức quốc phòng. Đây là lực lượng đã được quy định trong Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, là lực lượng thuộc biên chế của quân đội nhân dân. Nhưng trong quy định về đối tượng và điều kiện để được thuê nhà ở công vụ lại không có đối tượng này.

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Theo khoản 3 Điều 36 của Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng đã quy định đối tượng công nhân viên chức quốc phòng được ưu tiên hỗ trợ về nhà ở và được thuê nhà ở công vụ, nhưng tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại không quy định đối tượng này. Đại biểu Nguyễn Hải Hưng cho rằng, nếu chúng ta không quy định đối tượng này trong điểm d khoản 1 Điều 45 của dự thảo luật thì sẽ phải sửa đổi Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Hải Hưng, vẫn còn một đối tượng cần được ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vì đây là đối tượng lao động hợp đồng trong một số cơ sở của quốc phòng, quân đội. Đại biểu cho biết, hiện nay có rất nhiều lực lượng lao động hợp đồng, tuy nhiên có những lao động hợp đồng là chuyên gia và những nhân viên kỹ thuật rất giỏi nhưng không tham gia quân đội. Thực tế, quân đội rất cần để sử dụng lực lượng này để thực hiện các công trình, các dự án, đặc biệt, do vậy cũng cần được cân nhắc bổ sung đối tượng này được thụ hưởng chính sách về nhà ở.

Với đặc thù công tác của lực lượng vũ trang, đại biểu Nguyễn Hải Hưng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 74. Quy định như dự thảo chưa phù hợp với đặc thù công tác trong lực lượng vũ trang ở rất nhiều nơi, nhiều vùng miền, nên không thể có dự án về nhà ở cho lực lượng vũ trang, mà rất cần thực hiện hỗ trợ về nhà ở xã hội cho lực lượng này.

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng cũng cho rằng quy định về đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tại Điều 102 chưa cụ thể, rõ ràng. Đại biểu đề nghị bổ sung một khoản vào điều này: "Đất quốc phòng, an ninh do các đơn vị quân đội, công an đang quản lý, sử dụng nhưng trong quy hoạch không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo quy định của Luật Đất đai để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang", với quan điểm phát triển các quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cũng như là nhà ở công vụ, để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động thực hiện được nội dung này với loại đất không còn nhu cầu sử dụng.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đánh giá cao ban soạn thảo đã bổ sung quy định về nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, việc bổ sung chính sách này phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, tháo gỡ tồn tại, hạn chế cho Bộ Quốc phòng cũng như đảm bảo tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; thể hiện rõ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm về “Nhà ở cho lực lượng vũ trang” để phù hợp với quy định tại Điều 101, Mục 4 Chương VI; bổ sung thêm đối tượng là “công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, an ninh” thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào điểm d khoản 1 Điều 47 về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ, phù hợp với các quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, để tránh xung đột, chồng chéo và thống nhất theo quy định của Luật Đất đai trong trường hợp “vị trí, diện tích các khu đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh nhưng không còn nhu cầu sử dụng và phù hợp với quy hoạch đất ở của địa phương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang”.

Điều này nhằm chủ động đảm bảo nhu cầu cấp bách về nhà ở cho các đối tượng chính sách trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; giảm bớt áp lực cho các địa phương trong việc bảo đảm quỹ đất, quỹ nhà ở xã hội; đảm bảo tính đồng bộ và khả thi của các chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính; giải quyết được vướng mắc đối với một số điểm đất đã được Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương chuyển mục đích sang đất ở có trong danh mục đã được Chính phủ phê duyệt; phù hợp với Luật Nhà ở hiện hành và dự thảo luật đang sửa đổi…

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, khoản 2 Điều 100 của dự thảo luật quy định Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở cho lực lượng vũ trang trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho địa phương. Đại biểu cho rằng, ở địa phương đã bố trí tiêu chuẩn nhà ở xã hội trong đó đã có lực lượng vũ trang nên không nhất thiết phải bố trí quỹ đất nhà ở xã hội riêng cho lực lượng này. “Nếu đơn vị chủ lực sẽ không công tác cố định một nơi; hơn nữa vợ con, chồng con của lực lượng vũ trang thường ở quê, ở xa làm sao thường ít ở chung. Tôi nghĩ rằng nên dành quỹ đất bố trí nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang, khi không còn phục vụ trong lực lượng vũ trang về quê khi đó mua nhà ở xã hội địa phương sẽ phù hợp hơn. Nếu dành quỹ đất để xây dựng riêng nhà ở cho xã hội cho lực lượng vũ trang là không phù hợp”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang tại Điều 101 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở cho lực lượng vũ trang tại Điều 103. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung loại hình nhà ở riêng lẻ cho phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng vũ trang, nhất là tại các khu vực đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi tại các địa phương còn quỹ đất có thể bố trí xây dựng nhà ở riêng lẻ cho lực lượng vũ trang. Nếu chỉ quy định một hình thức nhà ở xã hội là nhà chung cư thì sẽ không phù hợp với tính đặc thù của lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, nên bổ sung một khoản vào điều này theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cho lực lượng vũ trang để tạo để thuận lợi khi áp dụng.

Lan Hương

Các bài viết khác