LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI) CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ CẤP GIẤY TỜ CHO NGƯỜI GỐC VIỆT KHÔNG CÓ QUỐC TỊCH

25/09/2023

Góp ý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về cấp giấy tờ cho người gốc Việt Nam bởi hiện nay còn khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi vi phạm pháp luật.

SỬA ĐỔI LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN: CẦN TÁCH BIỆT GIỮA THÔNG TIN BẮT BUỘC THU THẬP VÀ THÔNG TIN CÔNG DÂN TỰ NGUYỆN CUNG CẤP

Theo báo cáo của Bộ Công an, sơ bộ hiện nay có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, thực tế gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật. Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và những người chưa có đầy đủ các quyền của công dân Việt Nam. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với việc đổi tên Luật là Luật Căn cước.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của Cơ quan thẩm tra, đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đồng tình với đổi là Luật Căn cước, bảo đảm phù hợp theo định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo vẫn băn khoăn về quy định tại khoản 2, Điều 5 của dự thảo Luật đưa điều kiện về người gốc Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước, nhưng lại chưa đưa ra khái niệm, phạm vi, đối tượng được coi là người gốc Việt Nam. Theo đại biểu đây là vấn đề hết sức cốt lõi, trong khi đây là những đối tượng điều chỉnh chỉnh của dự thảo luật. Nếu chỉ tách riêng quy định tại một Điều 30 của dự thảo luật quy định về người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch là chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Tạo phân tích thêm với vấn đề về kiều bào của Việt Nam Campuchia được quy định ở Điều 30 gồm có 7 khoản, nhưng chưa rõ về điều kiện chuyển tiếp từ giấy chứng nhận công dân đến khi có căn cước. Đây là một khoảng trống về địa vị pháp lý. Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo tích hợp đưa vào quy định đối tượng áp dụng trong Luật Căn cước, người công dân xác định được và người công dân không định được Quốc tịch để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sinh sống tại đất nước Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế 

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần giải thích rõ khái niệm về người gốc Việt Nam. Thực tế là đã được dự thảo bổ sung vào khoản 17 của điều này, nhưng sẽ gây khó khi cùng lúc phải đáp ứng các điều kiện rằng có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng chỉ cần bổ sung cụm từ "một trong các quan hệ thân tộc" sẽ thuận và đầy đủ hơn.

Quan điểm của đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng đồng tình với việc cấp thẻ căn cước cho người gốc Việt Nam thay vì giấy chứng nhận căn cước, nhưng những trường thông tin trên thẻ căn cước người gốc Việt Nam vẫn cần thể hiện đầy đủ trên thẻ căn cước này để tiện cho việc quản lý.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh 

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phân tích thêm, Việc cấp thẻ căn cước của người gốc Việt Nam có thể một thẻ căn cước màu sắc là màu khác, để không nhập nhằng, khi chuyển tiếp từ giấy chứng nhận sang thẻ căn cước, nhưng dữ liệu gốc quản lý về dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư cần ghi rõ về quốc tịch của họ là chưa xác định quốc tịch. Đồng thời sẽ quy định những giới hạn trong Luật với những người gốc Việt Nam về vị trí pháp lý.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam 

Còn quan điểm của đại biểu Tạ Văn Hạ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam vẫn băn khoăn với việc đổi tên gọi và việc công nhận 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đưa vào Luật để được cấp căn cước. Theo đại biểu, điều này không phù hợp với Luật Quốc tịch, bởi đối tượng công dân Việt Nam thuộc vào quy định của pháp luật Việt Nam, còn đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các tổ chức quốc tế khác. Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Luật không nên đưa 2 đối tượng vào phạm vi áp dụng mà có thể có giải pháp quản lý khác như ghi giấy chứng nhận người gốc Việt Nam chứ không phải là giấy chứng nhận căn cước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này.

Trước ý kiến khác nhau liên quan đến việc có hay không việc cấp căn cước công dân cho người gốc Việt nhưng chưa rõ quốc tịch, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm người gốc Việt là gì, điều kiện để cấp giấy tờ phù hợp, nhưng bắt buộc phải có một loại giấy tờ để thuận tiện cho việc quản lý công dân phù hợp với thực tiễn hiện nay, nghiên cứu thiết kế một loại giấy tờ phù hợp, bởi không chỉ có luật này điều chỉnh mà giải quyết hết vấn đề của người gốc Việt, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến chuyện căn cước, nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ của họ. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền và Quốc hội để có một văn bản khác để điều chỉnh đối tượng này, không chỉ có thẻ căn cước hay giấy chứng nhận căn cước.

Hải Yến