LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): NÊN XEM XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở KHÔNG CÓ GIẤY TỜ THEO QUY HOẠCH

01/08/2023

Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét điều chỉnh thời hạn Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở ổn định nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất tại điều 138. Tiếp tục góp ý nội dung này, nhiều đại biểu băn khoăn bởi đây là vấn đề nhiều địa phương gặp vướng mắc. Vì vậy, cần có quy định hướng dẫn cụ thể đảm bảo triển khai hiệu quả trong thực tế. Nhiều đại biểu nêu quan điểm, cần xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này theo quy hoạch đã duyệt của địa phương.

LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TIẾP THU HOÀN THIỆN HƠN CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

TIẾP TỤC GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự thảo nêu rõ, giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất gồm Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật. Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Theo dự thảo, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có các giấy tờ theo quy định trên, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy trên mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản nêu trên thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện là Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai; Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định trên thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.  

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Tại nhiều hội thảo lấy kiến Luật đất đai sửa đổi gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn với quy định mở rộng thời hạn xem xét cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đinh, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014, bởi thực tế địa phương gặp rất nhiều vướng mắc. Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định trong Luật như vậy rất khó thực hiện trong thực tế, bởi nới thời hạn cho phép cấp giấy chứng nhận, cần đi kèm với điều kiện, đó là phải xem xét làm rõ trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật. Nếu không tách bạch thì dẫn đến rào cản, đó là tình trạng, hai hộ cùng nộp tiền mua đất như nhau, nhưng có người được cấp và người không được cấp bởi họ khi mua họ không thể biết được mảnh đẩt ở nào trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất được giao không đúng thẩm quyền, nên bán sẽ trái thẩm quyền.

Đại biểu Trần Thị Vân cũng nêu một bất cập khác, đó là với việc bảng giá đất được điều chỉnh thay đổi theo luật đất đai sửa đổi, thời điểm này, người sử dụng đất sẽ phải nộp thêm số tiền khá lớn nữa để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này sẽ gây ra thiệt thòi cho người dân, bởi có thể thời điểm lúc đấy mua, người dân đã phải mua theo gía thị trường rất cao rồi.

Với vấn đề này, Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị, Ban soạn thảo rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai về quy định cụ thể việc thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở ổn định, được giao không đúng thẩm quyền hoặc do lấn chiếm kể từ ngày mùng 1/7/2004 đến ngày mùng 1/7/2014.  Khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì thu tiền sử dụng đất sẽ cần phân định theo từng trường hợp cụ thể. Thứ nhất là trường hợp đất ở, đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày mùng 1/7/2014 và có giấy chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất theo đúng mức thu quy định của pháp luật tại thời điểm đó, thì không thu tiền sử dụng đất nữa. Thứ hai là nếu giấy tờ chứng minh nộp tiền sử dụng đất thấp hơn mức quy định của pháp luật thì phải được quy đổi ra tỷ lệ phần trăm diện tích đã hoàn thành và xem xét tình trạng nộp tiền sử dụng đất thế nào? thì mới tính là cần phải nộp thêm bao nhiêu theo bảng giá đất hiện tại

Còn đổi với trường hợp không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng lại có biên lai chứng minh, đây là trường hơp mua đất với mục đích không phải để ở mà mục đích sử dụng khác. Với trường hợp này, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất, mức thu tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức được giao đúng quy định tại bảng giá đất. Nếu ngoài hạn mức thì nộp 100%. Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo xem xét để làm sao cụ thể hóa rõ hơn bằng Nghị định và thông tư hướng dẫn, để địa phương không gặp vướng khi thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng đây là vấn đề rất vướng tại các địa phương, nay luật nới thêm thêm thời gian nữa thì địa phương không biết thực hiện thế nào nếu không có hướng dẫn cụ thể, bởi đây là vấn đề rất phức tạp. Vướng mắc nhất nằm ở chỗ, việc giao đất không đúng thẩm quyền từ cấp thôn, cấp xã, cấp huyện. Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, cách để rà soát tốt nhất là xem lại quy hoạch xem chỗ đất ở đấy có phù hợp với quy hoạch của địa phương hay không? Nếu phù hợp thì hoàn toàn có thể xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đúng thì thực hiện thu hồi. Phải có phương thức để giải quyết triệt để vấn đề này, để nhà nước vừa thu được tiền sử dụng đất, vừa quản lý được. Đây là vấn đề thực tiễn địa phương nào cũng vướng.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Cũng cùng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng nên xem xét cấp chứng nhận sử dụng đất với loại đất ở ổn định, hiện không có giấy tờ theo mức độ có phù hợp với quy hoạch địa phương đó hay không?

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh cho rằng, không quan trọng là thời điểm nào, quan trọng, nếu xét thấy phù hợp với quy hoạch, thậm chí thời điểm trước đã cấp sai thẩm quyền, nhưng qua nhiều đời ở ổn định, nay lại phù hợp với quy hoạch thì chúng ta cấp chứng nhận quyền sử dụng để thu tiền sử dụng đất, tránh lãng phí. Quan điểm của Đại biểu Nguyễn Trúc Anh đưa là cứ đến kỳ quy hoạch kế hoạch 5 năm 10 năm/lần mà phù hợp với quy hoạch là chúng ta cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thôi.  

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Đây là vấn đề sẽ được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lắng nghe, tiếp thu để hoàn tiện Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Hải Yến

Các bài viết khác