QUAN TÂM GIÁM SÁT THỰC HIỆN LỜI HỨA CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VÀ CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CỬ TRI

01/08/2023

Để nâng cao hoạt động giám sát trong thời gian tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các Tư lệnh ngành đối với cử tri để góp phần hoàn thiện thể chế đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chính sách và pháp luật.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾT QUẢ GIÁM SÁT

GIÁM SÁT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI: CẦN ĐỊNH HÌNH RÕ HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC TRỤC LỢI

Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đã thực sự quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và các quy định hướng dẫn phục vụ công tác giám sát; giám sát tối cao, giám sát chuyên đề được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Chương trình giám sát năm 2024 tại kỳ họp thứ 5.

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐBQH ở địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động giám sát và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quy định về công tác giám sát hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung như: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; quy định về việc thành lập Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì Đoàn ĐBQH các tỉnh, địa phương có ít ĐBQH rất khó thành lập đoàn giám sát. Ngoài ra, cần quan tâm hơn tới bố trí kinh phí để Đoàn ĐBQH các địa phương và các ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát... Những vấn đề này cần được xem xét sửa đổi, bổ sung sớm trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết và trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ ngành

Để nâng cao hoạt động giám sát trong thời gian tới, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra nêu trên.

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương. Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua. Do đó, đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Mặt khác, đại biểu Phạm Đình Thanh cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa về điều kiện vật chất, nhất là việc bố trí kinh phí để Đoàn ĐBQH các địa phương và các ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát của mình theo quy định của pháp luật. Vừa qua, kinh phí cấp cho công tác giám sát ở địa phương mới chỉ đảm bảo phục vụ cho các cuộc giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát của cá nhân ĐBQH hiện nay chưa được quan tâm, bố trí kinh phí phù hợp để phục vụ cho các hoạt động này.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề được nêu trong các báo cáo thẩm tra, các nội dung chất vấn, kết quả thực hiện lời hứa của các Tư lệnh ngành đối với cử tri, để khắc phục có tính chất hệ thống hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, góp phần hoàn thiện thể chế đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân trong tiếp cận chính sách và pháp luật.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, cần tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát lại với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Theo Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, cần quan tâm giám sát thực hiện lời hứa chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Trước những ý kiến, đề xuất như trên, các ĐBQH kỳ vọng rằng, những hạn chế, tồn tại trong công tác giám sát sẽ được khắc phục trong thời gián tới cũng như các Bộ trưởng, Trưởng ngành, thành viên Chính phủ sẽ phát huy cao tinh thần trách nhiệm để chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ đã hứa với Quốc hội, cử tri một cách hiệu quả./.

Bích Lan

Các bài viết khác