GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: BỐ TRÍ VỐN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CHO GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CẦN PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU VÀ KHẢ NĂNG

28/07/2023

Góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho giảm nghèo bền vững cần tính toán cân đối, phù hợp với nhu cầu và khả năng giải ngân.

ĐBQH NGUYỄN TẠO: CÒN NHIỀU ĐIỂM NGHẼN TRONG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Quan tâm về công tác giảm nghèo trong thời gian qua, trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng nên công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, công tác giảm nghèo đã có những bước tiến mới quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, giảm nghèo hiện nay ở nước ta còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, vẫn còn tình trạng nghèo đói, thoát nghèo, tái nghèo. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo cao.

Theo đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có giảm nghèo bền vững còn chưa cân đối, phù hợp với nhu cầu vốn và khả năng giải ngân.

Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng 

Theo đại biểu, Nếu nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương bố trí năm 2022 cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là tương đối cân đối, hài hòa, chiếm 30% tổng nguồn vốn cả giai đoạn thì nguồn vốn sự nghiệp bố trí còn chưa thực sự hợp lý. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn sự nghiệp dành cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 28 nghìn tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2021 – 2022 và thực chất là giải ngân trong năm 2022 chỉ chiếm khoảng 11,3%, còn lại trong 3 năm 2023 – 2025 có đến gần 90% tổng nguồn vốn sẽ cần thiết phải giải ngân. Điều này là chưa hợp lý, việc bố trí vốn sự nghiệp hàng năm mà không cân đối sẽ làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững.

Đại biểu cho biết, trong phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiện cũng chưa bố trí cho hai dự án là cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo.

Do vậy, đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng, cần quan tâm bố trí vốn cho hai dự án nêu trên trong năm 2022 vì đây là những nhu cầu cấp bách về an sinh xã hội cho trẻ em, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, người nghèo và cần được giải ngân hàng năm cho phù hợp với độ tuổi và đối tượng, đặc biệt là các dự án cải thiện suy dinh dưỡng và bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho người nghèo. Nếu đổ dồn phân bổ vốn vào những năm cuối của chương trình thì về giải ngân vẫn có thể bảo đảm thực hiện đủ số vốn được phân bổ nhưng xét về đối tượng lại không hiệu quả và khả thi. /.

Thu Phương

Các bài viết khác