SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
ĐBQH DƯƠNG BÌNH PHÚ: SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC CẦN BỔ SUNG CHÍNH SÁCH BẮT BUỘC ĐỐI VỚI VIỆC XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐÔ THỊ, NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG
Phóng viên: Thưa Đại biểu, Nước là nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt. Ông đánh giá như thế nào về thuận lợi và khó khăn trong việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước thời gian vừa qua?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Tài nguyên nước hết sức đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và còn liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, kể cả tôn giáo, văn hóa… Nhưng quản lý nguồn tài nguyên này, về hiệu quả lợi nhuận sinh ra trên một tỷ lệ mét khối nước rất thấp, không hiệu quả. Tổng lượng nước của chúng ta nhiều, nhưng có tới 81% dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng, như vậy tới 92% là dùng cho ngành nông nghiệp, chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp.
Việc quản lý nguồn nước hiện nay cơ bản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên có sự liên quan tới nhiều bộ khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nếu quản lý thủy lợi, công trình thủy điện do Bộ Công thương quản lý, giao thông đường thuỷ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nếu không có sự phối hợp tốt thì Bộ Tài nguyên và Môi trường khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Trong bối cảnh như vậy, sửa đổi Luật Tài nguyên nước không chỉ đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế của cuộc sống mà còn triển khai Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước. Nếu chúng ta không quản lý nguồn nước tốt thì không thể bảo đảm an ninh nguồn nước.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội
Phóng viên: Thưa Đại biểu, Luật hiện hành vẫn đang thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước… theo ông, trong dự thảo Luật sửa đổi đã khắc phục được vấn đề này chưa?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Tại kỳ họp thứ 5, ý kiến các đại biểu cũng tập trung vào việc phân định, quy định tập trung hơn cho các chủ thể, tức là các cơ quan, các bộ quản lý. Mà ỏ đây chủ yếu Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tập trung quản lý nguồn nước để có hướng tháo gỡ khó khăn lấy nguồn đầu tư ở đâu để bảo vệ các lưu vực sông. Theo tôi thất, hiện nay các điều khoản về quản lý lưu vực sông ở trong Luật đang mờ nhạt, nếu tập trung vào đó, sẽ định hướng cho các luật khác, hoặc các chính sách khác để tháo gỡ nguồn lực để đầu tư bảo vệ nguồn nước. Rất rõ ràng là Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo vệ nguồn nước, Bộ Xây dựng là khai thác nước để cho nước sinh hoạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khai thác sử dụng nước để cho mục đích nông nghiệp. Nhưng sau này các bộ, ngành sử dụng không đúng, vi phạm các quy định của bảo vệ nguồn nước thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền để ngăn chặn, thực hiện chế tài. Tránh tránh tình trạng các bộ cùng quản lý, không biết bộ nào, lại liên bộ họp với nhau rồi trình Thủ tướng quyết. Hiện nay chúng ta đang có cái mắc là cái gì cũng phải trình lên Thủ tướng, vừa gây khó khăn, vừa chậm, làm giảm tính hiệu quả.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, ông kỳ vọng gì vào lần sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này để đảm bảo quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước?
ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Vì lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến nên còn có ý kiến chưa thống nhất cao, nhưng các đại biểu cũng đã tập trung góp ý kiến vào những vấn đề rất trọng tâm để quản lý nguồn nước ngày càng tốt hơn như quy định các đối tượng quản lý như thế nào? phân định trách nhiệm các bộ, ngành ra sao tránh sự chồng chéo, giải pháp nào ngăn chăn nguồn ô nhiễm, xử lý nước thải; huy động nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, và cả nhà nước như thế nào để phát triển ngành nước cũng như quản lý các lưu vực sông. Nếu chúng ta không có cơ chế quản lý, chỉ kêu gọi không thôi, thì câu chuyện bảo vệ nước tránh ô nhiễm là không thể làm được và chỉ ở trên giấy.
Và kinh nghiệm bảo vệ nguồn nước của các nước, cần một nguồn lực rất lớn. Nếu chúng ta đã xác định không chi tiền thì nguồn tiền lấy ở đâu ra, cơ quan nhà nước sẽ phải xem xét. Có thể có nhiều cơ chế, ví dụ BOT, BT hoặc là chúng ta đánh thuế vào những người sử dụng, kể cả sử dụng nông nghiệp hay là giao thông… để nhà nước có nguồn thu để quản lý nguồn nước này.
Trong Luật lần này còn có vấn đề nữa, là khi chúng ta đưa ra việc sử dụng hiệu quả, công bằng, có lẽ cũng phải nghiên cứu tới việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành để tránh tình trạng chồng chéo. Luật mới đang được trình lần đầu, còn hai kỳ nữa, chắc sẽ còn nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự Luật.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đại biểu!