LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI) CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ ĐẨY NHANH THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

21/07/2023

Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ cùng nhiều dịch vụ thanh toán mới ra đời, đặt ra những thách thức trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Theo các chuyên gia, cần có quy định chặt chẽ hơn nhằm quản lý hiệu quả hơn thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

ĐBQH NGUYỄN VIỆT HÀ: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ CUNG ỨNG CÁC SẢN PHẨM DỊCH VỤ NGÂN HÀNG QUA PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ

Thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu

Tính đến cuối quý I/2023, giá trị giao dịch bằng dịch vụ Mobile Money đã đạt gần 1.600 tỷ đồng, điều này buộc các ngân hàng phải tăng tốc chuyển đổi số, nhanh chóng mang tới nhiều trải nghiệm hơn cho khách hàng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo các nghiên cứu, đến cuối tháng 3/2023, tình hình triển khai dịch vụ Mobile Money tại 03 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường (Viettel, VNPT-Media, MobiFone) đã đạt được một số kết quả khả quan. Số lượng tài khoản Mobile Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 3,71 triệu tài khoản, có gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập. Trong đó, tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, số lượng tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ là hơn 2,57 triệu tài khoản (70% số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ), số lượng điểm kinh doanh là hơn 5,4 nghìn điểm (61,48% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Số lượng giao dịch bằng dịch vụ Mobile-Money đạt hơn 24,37 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.577 tỷ đồng.

                                                                                                            Phương thức thanh toán qua ứng dụng số gia tăng

Năm 2022, giá trị giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đạt 29 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (83 tỷ USD) và đứng trước Thái Lan (24 tỷ USD) nhờ những giải pháp thanh toán mới, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua QR code, contactless… nhờ các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Theo Bộ Công Thương, năm 2021, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gấp 1,5 lần.

Mặt khác, thanh toán không dùng tiền mặt cho phép tạo cơ sở dữ liệu tài chính về doanh nghiệp, khách hàng, người dân. Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chip trong một số nghiệp vụ như: xác thực -  định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực - định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh…

Như vậy, với quy định pháp luật về thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển, ứng dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp “thúc” đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và toàn xã hội. Thanh toán không dùng tiền mặt vừa là xu hướng tất yếu, vừa góp phần hình thành cơ sở dữ liệu thông tin dân cư, vừa là giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số, chuyển đổi số.

TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Ngành ngân hàng kêu khó trong chuyển dịch thanh toán không dùng tiền mặt

Lợi thế là vậy nhưng theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số ở lĩnh vực thanh toán.Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí thông minh nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghiệp số. Hiện trong lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn rất hạn chế

Bên cạnh đó hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, hiện tượng mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp đến nay chưa có hướng dẫn của các cơ quan quản lý hoặc đang trong giai đoạn thí điểm.

TS.Nguyễn Quốc Hùng nêu ví dụ, khi thực hiện các giao dịch trên internet, các ngân hàng sẽ cung cấp các mã OTP (One Time Password) chỉ cho người thực hiện giao dịch. Trong một số trường hợp, mã này có thể bị kẻ gian lấy cắp, từ đó thực hiện các giao dịch lấy tiền của chủ tài khoản.Tuy nhiên, khi phát hiện giao dịch sai, giao dịch bất thường, theo quy định pháp luật ngân hàng không được phong tỏa tài khoản ngay lập tức, trong khi mỗi lần phạm tội, chuyển tiền đi chỉ mất vài giây, dẫn tới thiệt hại nặng nề hơn.

Cũng theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới là rất lớn. Các ngân hàng phải đầu tư nhiều và thường xuyên vào các giải pháp bảo mật để đảm bảo rằng thông tin khách hàng và giao dịch thanh toán không bị lộ ra ngoài. Đồng thời, đào tạo nhân viên và khách hàng về các công nghệ mới và cách sử dụng công nghệ mới an toàn.

Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ giữa các ngân hàng chưa đồng nhất, nên việc tích hợp giữa các hệ thống công nghệ khác nhau cũng gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị nên khó triển khai đồng bộ,. Các tổ chức tài chính như ngân hàng, trung gian thanh toán vào ví điện tử đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán gây ra lãng phí vì không tận dụng được hạ tầng chung hay trong cùng hệ sinh thái. Ngoài ra, một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiến nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số, sớm ban hành các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp lý hiện tại. Đồng thời ứng dụng phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,… để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thanh toán thuận lợi và an toàn hơn.

VNBA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; Xem xét các phương án đưa ra các yêu cầu về quản trị rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn trong dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ an toàn dữ liệu.  Đồng thời cần đẩy nhanh xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số trong ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng sổ thuần túy.

Song song với đó, cũng cần sự chung tay của nhiều đơn vị khác như Bộ Công an, các ngân hàng thương mại nhằm tăng cường xử lý triệt để tội phạm mạng hiện nay, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, xây dựng các chương trình giáo dục tài chính.Đặc biệt, lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin trên không gian mạng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu, phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới.

TS.Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng Viện IDS 

Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Theo TS.Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) cho biết, tại Việt Nam việc phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt vẫn đang là một thách thức lớn với các cơ quan hoạch định chính sách khi các dịch vụ, phương tiện thanh toán không sử dụng tiền mặt hiện nay phần lớn cung ứng cho các đối tượng có thu nhập khá ở đô thị; trong khi tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Đồng quan điểm với TS.Hoàng Văn Ninh, Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, hiện nay cần tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng. Đặc biệt, sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng cần hướng đến  tạo cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái thanh toán số nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác Ngân hàng - Fintech, nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, các thành tựu, kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực thanh toán vào hoạt động TTKDTM tại Việt Nam. Từ đó, mới khuyến khích được các doanh nghiệp nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, bảo đảm an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán;

Điều tiên quyết hiện nay, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt cần tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong luật các tổ chức tín dụng đang sửa đổi  đang trình Quốc hội cho ý kiến. 

Hải Yến

Các bài viết khác