ĐBQH TẠ THỊ YÊN: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ- XÃ HỘI

16/07/2023

Phát biểu ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, trong thời gian tới cần chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình kinh tế- xã hội.

ĐBQH TẠ THỊ YÊN: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG NHẰM GÓP PHẦN XÓA BỎ TÍN DỤNG ĐEN

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tập trung kiểm soát dịch COVID-19; tích cực giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy công tác quy hoạch, liên kết vùng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Những nhận định, đánh giá Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cơ bản phù hợp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực"). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội; cho rằng bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Từ đó, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất nhập khẩu.

Đại biểu Tạ Thị Yên dẫn chứng, trong sự giảm sút của các ngành công nghiệp gia công chế biến, thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, đồ gỗ… Ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động tỷ giá lãi suất, chi phí môi trường làm cho sản phẩm của nước ta làm ra đắt hơn thì họ phải di chuyển sản xuất đi quốc gia khác. Nước ta từng nhận chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến hơn nhưng các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường sản xuất xanh, giảm khí thải carbon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa kiểm dịch cũng là những trở ngại.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, chúng ta cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới; còn lại là nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ các cấp các ngành, các địa phương, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình.

Về vấn đề chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, trong chuyển đổi số của lĩnh vực ngân hàng chưa thực sự quan tâm định hướng dẫn dắt loại ngân hàng số mới Neo Bank, hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp nhiều tính năng vượt trội những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được như tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và đặc biệt là tất cả đều được tích hợp chỉ trong một ứng dụng di động.

Về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích thêm về vướng mắc nhất trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Tạ Thị Yên chỉ rõ, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi cần thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi không thể giải ngân được….

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn./.

Thu Phương

Các bài viết khác