ĐBQH TRẦN THỊ THANH LAM: QUY ĐỊNH RÕ NHỮNG DỰ ÁN CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG, DẪN ĐẾN THAY ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

21/07/2023

Góp ý hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị cần quy định rõ đối với những dự án có tác động đến môi trường, dẫn đến thay đổi mục đích sử dụng đất; khắc phục sự chậm trễ trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết, cử tri đánh giá cao việc Chính phủ, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Hàng triệu lượt ý kiến cũng là hàng triệu niềm tin của người dân gửi gắm đến Quốc hội, đến Chính phủ và kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất trong thời gian qua. Tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến dự án luật, đại biểu có 2 vấn đề có thể nói đã và đang tồn tại trong thực tiễn, rất cần được Ban soạn thảo quan tâm.

Khi người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì làm thủ tục rất lâu

Liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu cho biết, thời gian qua, ngành tài nguyên sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý đã cho thấy sự tập trung cao của ngành, mà thể hiện rõ nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, bước đầu đã tạo được niềm tin trong dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật dần được hoàn thiện.

Vấn đề đại biểu quan tâm là mặc dù đã có quy định rõ về quy trình tiếp nhận xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai nhưng khi người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thực tế làm thủ tục rất lâu, thông thường phải trên 1 năm kể từ lúc đăng ký tại xã, phường đến khi hoàn thành, phổ biến là một năm rưỡi.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Vì sao quy trình đó là xã tiếp nhận theo yêu cầu của dân, tổng hợp trình huyện, tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh ra nghị quyết, sau đó Ủy ban tỉnh thông báo về huyện, xã, lúc này hồ sơ mới bắt đầu làm chính thức? Nếu ai am hiểu pháp luật thì cũng phải chờ gần một năm. Trường hợp người dân chưa rõ thì hơn 1 năm là lẽ thường tình. Thực tế hiện nay xảy ra mấy trường hợp, người dân chọn được năm tốt thì làm nhà, nhà ở hư hỏng, bức xúc cần phải xây lại hoặc con cái dựng vợ, gả chồng ra riêng cũng phải làm nhà, vì vậy người dân không thể chờ việc kéo dài hơn 1 năm của nhà nước, nên việc cất nhà trước, làm giấy sau diễn ra khá phổ biến, vô hình chung họ vi phạm pháp luật về đất đai.

Từ vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần xem lại cách tiếp cận về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để người dân tiếp cận ngay cơ hội của họ. Đất đai trong dài hạn đều có quy hoạch, khi chưa có quy hoạch trong ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Cụ thể là căn cứ vào trích Luật Quy hoạch để giải quyết. Ví dụ khu vực đã quy hoạch là đất ở, khi dân có nhu cầu thì phải giải quyết ngay chứ tại sao phải yêu cầu đăng ký chờ năm sau có kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, mục đích sử dụng đất của dân bị thay đổi do ảnh hưởng và tác động từ những dự án của nhà nước. Thông thường, khi hình thành các dự án thì đều có báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo đánh giá tác động trong giai đoạn triển khai là không đáng kể.

Đại biểu lấy ví dụ khi nhà nước làm một con đường đi ngang qua khu vực chuyên trồng đất lúa, thực tế sẽ có nơi người dân tiếp tục trồng được lúa nhưng có nơi thì không tiếp tục trồng được lúa. Lý do là điều kiện về tự nhiên, có thể là điều kiện về thủy lợi và tiếp sau đó nhà nước lại quy hoạch 2 bên đường là đất ở, đến đây thì hàng loạt rắc rối mà người dân gặp phải, đó là đất đang trồng lúa chuyển sang đất trồng cây lâu năm thì sai quy hoạch sẽ không được chấp nhận, nếu xin chuyển hết sang đất ở thì đúng quy hoạch nhưng lại vượt nhu cầu của người dân, mặt khác họ cũng không đủ khả năng về tài chính để chuyển hết. Đến đây có 2 vấn đề xảy ra:

Một là, họ tự thay đổi mục đích sử dụng, làm cho họ phải vi phạm luật.

Hai là, họ phải chuyển nhượng một phần không mong muốn để có tiền đầu tư vào phần còn lại.

Mặc dù biết rằng lợi nhuận của họ sau khi có đường thì sẽ cao hơn, nhưng họ không còn cách nào để lựa chọn, thủ tục chuyển nhượng của họ phải theo mục đích sử dụng là đất lúa mặc dù đã quy hoạch là đất ở, họ lại gặp khó khăn. Đất đai trồng lúa khi họ chuyển mục đích theo luật, trước tiên họ phải đóng một khoản tiền gọi là bảo vệ phát triển đất trồng lúa bằng 50% giá đất nông nghiệp mà việc chuyển mục đích này nằm ngoài mong muốn của người dân.

Từ thực tiễn đã diễn ra, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung một điều khoản trong luật quy định đối với những dự án có tác động đến môi trường, làm thay đổi điều kiện tự nhiên dẫn đến thay đổi mục đích sử dụng đất thì Nhà nước phải có trách nhiệm và chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người dân. Luật phải tạo điều kiện để cho người dân thực thi Luật Đất đai một cách tốt nhất.

Các văn bản dưới luật luôn đi chậm

Liên quan đến vấn đề cơ quan quản lý về đất đai và cụ thể hóa các vấn đề trong luật, đại biểu chỉ rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo luật có quy định cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức dịch vụ công về đất đai gồm văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức dịch vụ công khác được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, tổ chức dịch vụ công về đất đai là văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác hoạt động như đơn vị sự nghiệp theo cơ chế là nhà nước đặt hàng và trả phí thông qua lương và chi thường xuyên. Ở đây thì cũng không có vấn đề gì sai. Tuy nhiên, người dân vẫn còn tâm lý ngán ngại trong tiếp cận hồ sơ vớt đất đai và để hạn chế tình trạng cò hồ sơ thì nên các nơi điều hành thành một bộ phận ở trong văn phòng này, đó là bộ phận dịch vụ của trung tâm, qua đó cho thấy bộ phận dịch vụ được đẻ ra từ tổ chức thực hiện chính sách về đất đai.

Như vậy, kinh phí của trung tâm này sẽ có 2 nguồn dịch vụ công và dịch vụ tư. Tư ở đây là tự làm nhưng công hay tư cũng đều một đối tượng phục vụ, đó là người dân, liệu có nhất bên trọng nhất bên khinh hay không. Vậy, tại sao không nhập 2 thành 1 để nhà nước điều hành và quản lý nguồn kinh phí, cũng có thể thay đổi mức phí để phục vụ tốt hơn, dù là công hay là tư. Đại biểu cho rằng quy định của luật lần này cần tính toán mô hình hoạt động cho phù hợp, bởi vì trong xã hội phát triển thì đất đai là tài sản biến động nhiều nhất, nếu áp dụng phí phục vụ tận nhà cho người dân thì nguồn thu từ lệ phí có thể đủ trả lương cho toàn ngành địa chính.

Bên cạnh đó, theo đại biểu việc cụ thể hóa các văn bản dưới luật cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế, thời gian qua Luật Đất đai và các văn bản dưới luật luôn đi chậm, thậm chí là quá chậm so với xu hướng phát triển chung của xã hội, chính điều này là nguyên nhân phát sinh những vấn đề phức tạp, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện, bất bình về cơ chế, chính sách và có hành vi vi phạm pháp luật, chưa kể đến những biến tướng trong quá trình tổ chức thực hiện mà thiệt thòi luôn là người dân.

Đại biểu kiến nghị nội dung của dự án luật ban hành lần này cần cụ thể, giảm bớt các điều khoản giao cho Chính phủ, giao cho Bộ trưởng và sớm dự thảo những văn bản dưới luật về đất đai đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Minh Hùng