QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng việc sửa đổi nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Qua tổng hợp ý kiến cử tri, đại biểu góp ý một số vấn đề thuộc nội dung của Dự thảo luật như sau:
Giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã như hiện nay
Về tên gọi mới của dự án là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thay cho tên Luật Hợp tác xã hiện hành. Tôi nhận thấy, mặc dù dự thảo luật lần này có mở rộng đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã nhưng trong đó hợp tác xã vẫn là nòng cốt, cho nên cần giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã như hiện nay. Về tên gọi hợp tác xã được sử dụng và gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam và phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc lấy hợp tác xã làm trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác vẫn bảo đảm bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Mặt khác, tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, rà soát, dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Khái niệm kinh tế hợp tác là một phạm trù rất rộng mà không phải chỉ có ở trong tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã, các doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hợp tác với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, v.v. đều là kinh tế hợp tác. Thậm chí, bây giờ đang có xu hướng hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lấy khái niệm này để gói vào 2 hình thức hợp tác xã và tổ hợp tác là không phù hợp. Về bản chất, hình thức liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã chính là hợp tác xã được mở rộng về quy mô và địa bàn.
Về khái niệm hợp tác xã, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Bởi vì, kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của từng thành viên và sở hữu chung của tập thể tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào góp vốn, phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân. Thành viên chính thức và thành viên liên kết cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ. Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII. Với khái niệm đưa ra tại dự thảo chưa bao hàm được quan điểm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, vì đây chính là bản chất của hợp tác xã, hay chính là sự thể hiện khác biệt giữa kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã bằng nhiều cơ chế
Về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã. Đối với Liên minh Hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay do hệ thống các hợp tác xã chưa đủ lớn mạnh. Do đó, đề nghị cần có sự bảo đảm kinh phí của nhà nước cho các hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã, được tiếp cận nguồn vốn, trong đó có nguồn từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ từ trung ương để có sự ủy thác, hỗ trợ từ quỹ trung ương đối với quỹ địa phương.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết 20 để quy định rõ hơn tại dự thảo luật về việc giao Liên minh hợp tác xã thực hiện một số nội dung dịch vụ công để có thể củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã trong việc hỗ trợ, thúc đẩy, tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tế tập thể trong giai đoạn mới, đúng chủ trương của Nghị quyết 20.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Đại biểu phân tích, trong điều kiện hiện nay, hợp tác xã còn nhỏ, siêu nhỏ cả về số lượng, quy mô còn nhiều khó khăn. Nhà nước ta cần có cơ chế hỗ trợ và quy định ngay trong dự thảo luật này hoặc nghị định về hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã bằng nhiều cơ chế miễn, giảm thuế như các doanh thu từ làm dịch vụ đầu thì được miễn thuế, không thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản doanh thu khác được miễn, giảm 50% so với các doanh nghiệp kinh doanh của ngành nghề. Phần miễn giảm này được đưa vào Quỹ phát triển hợp tác xã, thuế môn bài, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian 2 năm đầu. Có như vậy thì mới thực sự tác động và thúc đẩy các hợp tác xã đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của hợp tác xã.
Với tình hình cơ sở thực tiễn như hiện nay, những hợp tác xã mới thành lập còn rất khó khăn, chưa đi vào hoạt động, chưa có sản phẩm thì việc thu thuế môn bài ngay thực sự là rất bất cập. Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ 5 đã xác định đó là cần phải có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh về chuỗi giá trị sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, về một số điều khoản cụ thể về thành viên sáng lập tổ hợp tác. Dự thảo lần này có mở rộng đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác tại Điều 1, khoản 3 Điều 4, tuy nhiên, tại Điều 22 quy định về thành viên sáng lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã nhưng không có quy định về thành viên sáng lập tổ hợp tác. Vì vậy, đề nghị quy định thêm thành viên sáng lập tổ hợp tác tại khoản 1 Điều 22. Tại Chương VI quy định về thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đề nghị thêm mục điều chỉnh đối với tổ hợp tác đã được quy định tại Điều 1.
Ngoài ra, về tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác, Điều 106, 107 quy định tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hệ thống Liên minh Hợp tác xã là nòng cốt. Đại biểu đề nghị dự thảo cần làm rõ ngoài Liên minh Hợp tác xã còn có tổ chức đại diện nào khác và quy định cụ thể trong dự thảo. Đối với khoản 1 Điều 107 đề nghị giữ nguyên như quy định của luật hiện hành năm 2012.