ĐBQH TRỊNH XUÂN AN: NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG NIÊM YẾT KHÔNG ĐÚNG VỚI GIÁ THỰC BÁN

28/11/2022

Tham gia ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần có quy định mạnh mẽ và chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng niêm yết không đúng với giá thực bán.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Tham gia ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần hết sức cẩn trọng với việc nhà nước can thiệp điều chỉnh giá, cần phải tuân theo những quy luật của thị trường, quy luật về giá trị, quy luật cung, cầu. Do vậy, những biện pháp nhà nước can thiệp vào giá, nhất là định giá hay bình ổn giá thì cần phải bám sát những nguyên tắc này để bảo đảm vừa hài hòa được lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người dân.

Cân nhắc khi can thiệp hoạt động thị trường

Đi vào cụ thể, đại biểu cho rằng, nhiều quy định của dự thảo luật này còn chung chung, định tính, chưa định lượng được. Ví dụ như quy định của điểm b khoản 1 Điều 19, điểm a khoản 2 Điều 20, khoản 1 Điều 23, đại biểu đề nghị phải rà soát rất kỹ để tránh việc cách hiểu thế nào cũng được và hiểu một cách rất chung chung, sẽ dẫn đến việc không đảm bảo được tính cụ thể trong văn bản pháp luật.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến

Liên quan đến vấn đề bình ổn giá và đặc biệt là bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu, đại biểu cho biết, việc bình ổn giá là can thiệp vào hoạt động của thị trường, tuy nhiên chỉ nên thực hiện ở một vài thời điểm nhất định và trong một vài trường hợp nhất định. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng, dầu, những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta cần phải có những sự điều chỉnh thật sự phù hợp trong việc bình ổn giá, xác định mục tiêu để cho thị trường được ổn định, nhưng cũng cần phải bảo đảm lợi ích, quyền của doanh nghiệp. Trong trường hợp đối với xăng, dầu, tại sao doanh nghiệp nói rằng càng nhập, càng bán thì càng lỗ? Cần xác định mối quan hệ này thực hiện thật sự hài hòa.

Không cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, đại biểu Trịnh Xuân An không đồng tình với việc tiếp tục duy trì quỹ này. Theo quy định của dự thảo luật này, không có một từ nào quy định về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, chúng ta chỉ dùng Điều 22 quy định về Quỹ bình ổn giá. Quỹ bình ổn giá này không phải là một biện pháp bình ổn giá nhưng trong báo cáo giải trình, tiếp thu, đặc biệt là báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, đã nhấn mạnh việc cần phải giữ quỹ này.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng, cần tính toán kỹ vấn đề này về mặt kỹ thuật. Tại dự thảo Luật này có một điều về Quỹ bình ổn giá, nhưng không nhắc cụ thể đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, nhưng khi giải trình thì lại nhấn mạnh ý phải giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung: "Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là bước đệm để chúng ta quản lý, sử dụng giá xăng, dầu" trong báo cáo giải trình tiếp thu. Theo đó, cần làm rõ bước đệm này là gì, và vận hành hiệu quả hay không. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, đặc biệt khi chúng ta còn rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không nhất thiết phải sử dụng một quỹ đang còn rất nhiều vấn đề phải tranh luận, nhiều vấn đề phải tiếp tục làm rõ.

Ngăn chặn tình trạng niêm yết không đúng với giá thực bán

Liên quan đến niêm yết giá, đại biểu cho rằng, đây là biện pháp mà có lẽ ai cũng nhìn thấy hằng ngày, đi đâu cũng nhìn thấy giá niêm yết, nhưng vừa qua trên báo chí có nêu rất nhiều trường hợp niêm yết không đúng với giá thực bán, đặc biệt giá thì quy định 1 loại, nhưng bán ra với một loại giá cao hơn, tính thuế lại theo giá thấp hơn, hành vi này kéo dài và không phải cơ quan quản lý không biết. Tuy nhiên, Điều 32 lại đang quy định quá chung và không xử lý được trường hợp này.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Theo đại biểu, quy định như vậy thì sẽ không ngăn chặn được tình trạng niêm yết một đường bán một nẻo, gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ thuế. Điều 32 mặc dù có quy định người tiêu dùng, người mua có quyền khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa đủ mạnh, chưa có phương pháp quản lý phù hợp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu làm rõ, quy định chi tiết hơn nữa nội dung này, đồng thời đảm bảo đồng bộ với Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này.

Hồ Hương