ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, TRÁNH ƯU ÁI TRONG CHỈ ĐỊNH THẦU

28/11/2022

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nhà thầu được chỉ định cũng phải đáp ứng điều kiện độc lập về pháp lý cũng như tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức cho việc chỉ định thầu.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Đảm bảo công khai, minh bạch, tránh ưu ái trong chỉ định thầu

Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, việc thuê, mua, bán nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất, nhất là tài sản gắn liền với đất không phải là đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật là bỏ sót loại tài sản này. Đại biểu đề nghị rà soát, quy định cho phù hợp để tránh so bì với các lĩnh vực khác. Thực tế, không phải lĩnh vực nào đấu thầu cũng công bằng, khách quan, hiệu quả về tài chính mà chỉ định thầu có giảm giá cũng có thể mang lại hiệu quả về kinh tế. Nếu những lĩnh vực không thuộc phạm vi điều chỉnh thì áp dụng vào quy định của pháp luật là dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, như vậy là thu hẹp phạm vi điều chỉnh, có thể thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị giữ quy định theo luật hiện hành.

Về tính hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư quy định "có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư". Đại biểu đề nghị sửa lại là "thời điểm đấu thầu" để tránh trường hợp có thể tiêu cực hoặc cơ quan, đơn vị mất nhiều thời gian lựa chọn nhà thầu mà cuối cùng bị loại vì không hợp lệ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia phát biểu

Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Điều 6 có quy định "nhà thầu tham dự thầu độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính" nhằm đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, ở khoản 4 lại quy định "nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng những điều kiện trên", đại biểu đề nghị nhà thầu được chỉ định cũng phải đáp ứng điều kiện này, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức cho việc chỉ định.

Đại biểu cho rằng, ưu đãi trong việc chọn thầu là rất cần thiết, tuy nhiên, chỉ nên quy định một số hàng hóa đặc thù, hàng hóa khuyến khích sản xuất trong nước, không quy định chung mà nên cụ thể hơn để dễ thực hiện, để không tùy tiện áp dụng. Ngoài ra, việc quy định chi tiết Chính phủ cũng cần phải rõ ràng về những nội dung ưu đãi để chọn nhà thầu cho khách quan, công bằng, minh bạch, tránh đối tượng lợi dụng ưu đãi thông đồng với các nhà thầu khác có thể tiêu cực, trong đó có ưu đãi gói thầu xây lắp đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giá trị dưới 5 tỷ. Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ không thể có vốn đến gần 5 tỷ, nên quy định như vậy là không phù hợp.

Về đấu thầu quốc tế, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần thiết có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu dự án. Đại biểu đề nghị giải trình rõ cần có sự tham gia, đã đấu thầu quốc tế thì có nhu cầu nhà thầu nước ngoài tham gia, như vậy có cần thiết quy định thêm cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài hay không?

Cần rà soát các hành vi bị cấm theo từng nhóm để dễ áp dụng trong thực tiễn

Về đảm bảo dự thầu, đại biểu đề nghị giải trình thêm giá trị đảm bảo dự thầu, chọn nhà thầu là từ 1-3% và chọn lựa nhà đầu tư từ 0,5-1,5% giá trị gói thầu, sao chỉ quy định mức đó mà không thể cao hơn, phù hợp với giá trị từng gói thầu để hạn chế tình trạng bỏ thầu quân xanh, quân đỏ.

Về hành vi bị cấm, đại biểu cho biết dự thảo luật đã liệt kê rất cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát các hành vi bị cấm theo từng nhóm để dễ áp dụng trong thực tiễn theo nhóm hành vi chung, người có thẩm quyền, người có ảnh hưởng, chủ đầu tư, chuyên gia, tổ chấm thầu, nhà thầu. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hành vi cản trở trong đấu thầu, vì hành vi này thực tế đã diễn ra rất đa dạng, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu và đề nghị bổ sung những hành vi nhà thầu lập công ty con để tham gia đấu thầu, vì hiện tượng này ở nước ta không phải là lợi ích.

Toàn cảnh phiên họp

Về thẩm quyền phát hiện những sai sót trong chỉ định thầu và tiêu cực chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính pháp lý trong việc chỉ định thầu là làm sao đảm bảo cho việc chỉ định thầu và quyết định của nhà thầu nhằm đảm bảo quy định không can thiệp vào quy định hoạt động đấu thầu theo đúng quy định.

Về chỉ định thầu là rất cần thiết, để đảm bảo trường hợp đặc thù, người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm pháp lý về quyền này. Đại biểu đề nghị cân nhắc tùy từng lĩnh vực mà được chỉ định thầu và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và có giảm giá phần trăm theo giá trị gói thầu có lợi cho chỉ định thầu. Đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về tính khách quan của giá trị gói thầu sát, đúng để tránh tiêu cực, phòng ngừa có móc ngoặc trong thẩm định giá như hàng hóa, vật tư, thiết bị.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay chỉ định thầu xem ra thuận lợi, nhanh gọn, ít được các chủ đầu tư chọn phương án này, nhất là đấu thầu xây lắp, thi công. Vì lúc chọn thầu đã chỉ định nhà thầu tiềm lực mạnh, đã có lúc công trình tương đương, hiệu quả cao, có uy tín, tuy nhiên không ít trường hợp có sự cố trong thực hiện đang mạnh bỗng nhiên yếu, chậm trễ, đổ lỗi cho chủ đầu tư chỉ định không trúng đối tượng. Có cân nhắc để khuyến khích chủ đầu tư chỉ định trong các trường hợp được phép chỉ định để đẩy nhanh tiến độ phục vụ cho nhu cầu xã hội, có tiêu cực thì xử lý, nếu không có tiêu cực thì cũng cần có sự ủng hộ hộ của các cơ quan chức năng.

Về đấu thầu trước, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án mà cho đấu thầu, dẫn đến hệ lụy có thể dự án không thể phê duyệt vì nhiều lý do, trong đó có giải phóng mặt bằng chưa hoàn chỉnh nên không thể thi công, có thể thiệt hại cho nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, khó khăn cho chủ đầu tư, vốn ngân sách tăng lên khi nhà thầu kiến nghị bổ sung vốn bổ sung, trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nguy hiểm cần phải có thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh kịp thời, như chống sạt lở.

Về quản lý nhà nước, đại biểu cho rằng, đối với các cơ quan thẩm quyền quy định còn khá chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong kiểm tra, thanh tra cũng như phê duyệt kết quả, hủy kết quả chọn thầu và chỉ định thầu.

Ngoài ra, về trách nhiệm của tổ chuyên gia, tổ thẩm định, đại biểu đề nghị làm rõ tính pháp lý, tiêu chuẩn của từng thành viên để khi có sự cố xảy ra dễ dàng xử lý và giải trình cho đủ, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Hồ Hương