GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CÓ NÊN GẮN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI MUA BÁN ĐỒ CHƠI TRẺ EM NGUY HIỂM?

27/01/2021

Chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình súng, lựu đạn đến các viên đạn nhựa... Những sản phẩm đồ chơi bạo lực, nguy hiểm này thậm chí còn được người bán quảng cáo mạnh trên các trang mạng xã hội. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Thu giữ hàng nghìn đồ chơi trẻ em nguy hiểm

Chỉ trong tháng qua, các cơ quan chức năng tại các địa phương đã vào cuộc và thu giữ được hàng chục nghìn đồ chơi nguy hiểm trước dịp tết Nguyên đán. Đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Điều đáng nói ở đây là mức xử phạt cho hành vi Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng.

Chỉ với thao tác tìm kiếm cụm từ “bán súng đạn nhựa” trên trang tìm kiếm thông tin Google, trong vòng 0,39 giây đã thu được khoảng 1.470.000 kết quả. Các loại súng được rao bán trên đa phần là súng đồ chơi có hình dạng súng quân dụng, súng ngắn bắn đạn nhựa đang. Đặc điểm quan trọng nhất của loại súng này là sử dụng khí nén, kích thước đạn lớn, lực bắn rất mạnh, hoàn toàn có đủ khả năng gây sát thương đối với người bị bắn. Việc các loại đồ chơi nguy hiểm trên được rao bán công khai trên mạng khiến cho không ít người dân lo lắng.

Chị Trần Thu Hà – Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, cho rằng những trò chơi đấy không khuyến khích trẻ con chơi vì sẽ ảnh hưởng tới tính cách của các cháu sau này. Ở các quầy nếu có bán, gia đình chúng tôi cũng sẽ không mua cho các cháu đồ chơi này. Các bố mẹ lúc nào cũng tránh mua đồ Bạo lực cho con. Các đồ chơi mình mua cho con sẽ có xu hướng thiên về trí tuệ  như xếp chữ, xếp số hay là lego, xếp hình. Và khi mua về mình sẽ chơi cùng con, hướng dẫn các con. Còn đối với đồ chơi bạo lực mình nghĩ sẽ ảnh hưởng không tốt mình sẽ hướng cho con để con không đòi chơi những đồ chơi đó.

Luật sư Đào Ngọc Lý – Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý cho biết Với tư cách là 1 công dân, 1 luật sư thì tư cách nào tôi cũng phản đối gay gắt những hành vi ngây nguy hại rất lớn cho xã hội. Nhât là những hành vi gây nguy hại cho chính các cháu, tính sát thương, tính nhiễm độc khi nhiễm các hóa chất độc hại khi sản xuất ra đồ chơi lậu. Chưa nói đến hành vi cổ súy bạo lực sẽ gây nên mầm mống của các hành vi tội ác sau này. Do đó đây là những hành vi rất nguy hiểm.

Đầu năm 2020, tại km611 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, các lực lượng chức năng đã đón dừng và kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với xe ô tô. Qua kiểm tra, phát hiện trên phương tiện đang vận chuyển 24.378 khẩu súng nhựa các loại, là đồ chơi trẻ em, sản xuất tại Trung Quốc; 904 cái súng nhựa bắn đạn lò xo, sản xuất tại Việt Nam thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Trị giá toàn bộ lô hàng vi phạm trên 400 triệu đồng.

Trước đó, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và tịch thu 14.500 khẩu súng, cung tên đồ chơi, 3.550 đồ chơi trẻ em các loại và 960 hộp ô mai, tất cả đều do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng minh tính hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra, trị giá lô hàng ước tính khoảng 500 triệu đồng.

Lực lượng chức năng thu giữ đồ chơi nguy hiểm

TS.Vũ Thu Hương cho rằng với nhưng đồ chơi bạo lực chắc chắn sẽ cổ vũ bạo lực. Nhất là với các bạn trẻ đã trở thành tội phạm sau khi chơi game bạo lực hoặc là chơi các đồ chơi bạo lực. Bởi vì các con đã quen với việc tồn tại đồ chơi đó. Điều đó còn khiến cho trẻ gặp những bất ổn về tâm lý ví dụ như gặp những ám ảnh bởi những câu chuyện và những đồ chơi bạo lực. Có thể trẻ sẽ thấy sợ, gây ra ám ảnh như sợ màu đen, sợ tiếng động, sợ những mùi đem lại từ món đồ chơi đó … và rất nhiều tác động có thể xảy đến với trẻ. Bởi vì trẻ rất mong manh, yếu đuối so với người lớn và trẻ không biết đâu là đúng, đâu là sai. Chính vì vậy, đồ chơi bạo lực là những thứ chúng ta cần cấm với trẻ.

Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương

Vừa qua phòng Cảnh sát hình sự – CATP Hà Nội đã phát hiện,thu giữ 265 khẩu súng nhựa và 30kg đạn nhựa thạch, được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội. Đáng chú ý, những loại súng này có khả năng gây sát thương cao.

Qua công tác trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện một trang Web trên mạng Internet có tên gọi: sungmohinh.com có trụ sở ở Hà Nội, hiện rao bán các loại súng mô hình giống súng quân dụng, bắn được nhiều loại đạn khác nhau rất nguy hiểm do Nguyễn Việt Phương (SN 1982, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ. Cơ quan chức năng cũng điều tra được, ngoài trang web bán quảng cáo trên mạng xã hội, đối tượng này còn thuê 2 cơ sở tại: Gamudar Yên Sở, và phố Nguyễn Ngọc Doãn để trưng bày. Hiện cơ quan chức năng thu giữ toàn bộ số súng nhựa, đồ chơi nguy hiểm trên và xử phạt hành chính đối với chủ hàng.

Trung tá Lý Hoài Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội 

Trung tá Lý Hoài Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Thủ đoạn mà các đối tượng mua bán vũ khí trên mạng là các đối tượng thường rao bán trên mạng internet sau đó có các số tài khoản yêu cầu người mua đọc các địa chỉ sau đó chuyển qua đường bưu điện hoặc chuyển phát nhanh để người mua có thể nhận được vũ khí hoặc vật liệu phụ trợ đó, sau đó sẽ gửi tiền mua vào các tài khoản mà đối tượng đã mở ra. Thường những tài khoản đó là tài khoản các đối tượng nhờ những người khác đứng tên, không phải tài khoản chính của các đối tượng. Trong thời gian chúng tôi truy xét cũng có những khó khăn nhất định, mất thời gian dựng các đối tượng rồi mới tổ chức truy bắt. Sau đó mới triệt phá được các đường dây của các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ phụ trợ và đồ chơi trẻ em nguy hiểm.

Nguy hiểm là vậy, nhưng theo quy định Tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị xử phạt tiền: từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Theo Luật sư Đào Ngọc Lý – Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý, với sự tràn lan trên thị trường cùng với sự xét xử các loại tội phạm này, bản thân tôi cho rằng các mực phạt chưa tương xứng và chúng ta đang bỏ lọt rất nhiều hành vi nguy hiểm xã hội. Đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát lại các hoạt động này để xử lý triệt để những người có hành vi buôn bán, sản xuất, lưu hành các hành vi độc hại cũng như trò chơi đó.

Còn theo Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương, với những đối tượng kinh doanh không giấy phép và đi theo các đường lậu thì chúng ta cần mạnh tay hơn bằng các hình thức xử phạt nghiêm túc như những năm tù hoặc bằng hình thức ghi vào trong lý lịch tìền án hoặc tiền sự, thì lúc đó người ta mới cảm thấy đây là hành vi nghiêm trọng. Và có thể họ sẽ dừng lại trước khi họ gây hậu quả cho chính họ. Do vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta cần xem lại tất cả những điều luật mà chúng ta đưa ra. Cái gì phù hợp và không phù hợp, có đủ sức răn đe hay không? Thậm chí chúng ta cần có những chế tài xử phạt đối với hành vi mua những sản phẩm này. Bởi vì nếu phụ huynh đã biết về tất cả những độc hại của những sản phẩm đồ chơi bạo lực mà vẫn cố tình mua cho con thì cũng cần xử phạt chính những phụ huynh đó.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài xử lý vi phạm hành chính bằng tiền, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm thì đã đến lúc chúng ta cần áp dụng những biện pháp khác có tính răn đe hơn để hạn chế vấn nạn trên.Vậy giải pháp nào để hạn chế tình trạng trên? Có nên hình sự hoá hành vị mua bán, tàng trữ đồ chơi trẻ em nguy hiểm hay ko? Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuột trao đổi với Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, để làm rõ hơn về vấn đề này.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về tình trạng đồ chơi trẻ em nguy hiểm vẫn được buôn bán tràn lan trên mạng?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:  Đồ chơi cho trẻ em là yêu cầu thiết yếu không thể thiếu trong công tác chăm sóc và giáo dục các em. Tuy nhiên dùng cho các em, định hướng cho các em ngay từ đầu chơi những trò chơi gì để định hướng cho các em vừa mang tính giáo dục cao nhất vừa có tính định hướng để hình thành nhân cách tương lai sau này. Trong thời gian qua nhất là các dịp trung thu,lễ tết trên thị trường hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng bởi những đồ chơi mang tính chất bạo lực ví dụ như súng, đạn. Nguy hiểm hơn là những đồ chơi này càng ngày càng được chế tác rất tinh vi, những loại đồ chơi này giống đồ thật về kích thước, mẫu mã cho đến cả quy trình sử dụng. Do đó những điều này rất nguy hiểm trong việc hình thành tính cách và nhân cách của trẻ sau này.

Phóng viên: Mức xử phạt hiện nay chỉ là xử phạt hành chính, với số tiền từ 5-10 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng. Mức xử phạt trên có đủ tính răn đe ko khi mà những đồ chơi nguy hiểm có tính sát thương cao và lợi nhuận thu về ko hề nhỏ, thưa đại biểu?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nhà nước đã cấm cho trẻ sử dụng những đồ chơi có hình thức bạo lực, cấm việc kinh doanh buôn bán những đồ chơi mà có tính bạo lực. Như vậy trước hết bây giờ trách nhiệm là phải nói đến trách nhiệm người lớn. Ở đây người lớn đã vi phạm quy định của pháp luật đó là gì? Đó là  cho trẻ chơi đồ chơi bạo lực.

Thứ 2 là vì lợi ích kinh doanh nên đã bất chấp kinh doanh, buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi nguy hiểm.

Thứ ba là do cơ quan quản lý nhà nước chúng ta làm chưa thật sự chặt chẽ, chưa có những quy định của pháp luật. Hiện nay như chúng ta đang nói có những quy định, chế tài xử phạt là chưa thực sự đủ tính răn đe. Cho nên so với lợi nhuận mà người ta thu được thì số tiền phạt vẫn là do vẫn nhỏ nên dẫn đến việc vẫn cố tình thực hiện những hành vi buôn bán đồ chơi nguy hiểm.

Phóng viên: Chúng ta có nên hình sự hoá hành vi mua bán, tàng trữ đồ chơi trẻ em nguy hiểm ko, thưa đại biểu?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Theo tôi, những việc vi phạm những điều cấm kinh doanh, sử dụng những đồ cấm cho trẻ, sử dụng những đồ chơi mà pháp luật không cho phép là hình thức vi phạm pháp luật. Cho nên đối với hình thức buôn bán, kinh doanh đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực như vậy ở 1 mức độ nào đó tôi nghĩ rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Và nếu cần thiết chúng ta cần phải xử lý theo quy định. theo quy định của pháp luật hiện hành, người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định xử phạt nêu trên, theo tôi là phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm xét trong tương quan với những hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, có những người vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm, thì trường hợp này cần áp dụng những biện pháp khác, không chỉ dùng hình thức xử phạt nặng để giải quyết vấn đề.

Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Không phải đến giờ dư luận mới hoài nghi về tác hại khôn lường từ những thứ đồ chơi nguy hiểm, bạo lực. Nhưng để làm sạch thị trường thì lại là một câu chuyện không dễ. Nhiều năm qua, công tác chấn chỉnh thị trường đồ chơi trẻ em tiến đến loại bỏ hoàn toàn các yếu tố bạo lực, mất an toàn đã có những hiệu quả nhất định. Tuynhiên, bên cạnh cải thiện ý thức của người trong cuộc thì trước hết các cấp quản lý, cơ quan chức năng phải sâu sát và có những kế hoạch dài hơi thay vì chỉ xử lý mang tính thời điểm. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có những chế tài đủ mạnh hơn để răn đe, ngăn chặn các hành vi mua bán, tàng trữ các đồ chơi nguy hiểm. Có như vậy, trẻ em - những chủ nhân tương lai, lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mới được quan tâm và phát triển vững vàng trong một môi trường hoàn toàn trong sạch, lành mạnh./.

Thanh Hải