Phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Ninh Bình, Tây Ninh, Sơn La, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, thấy trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Tại Kỳ họp thứ 8 đã có một nghị quyết mang tính lịch sử về công tác dân tộc và tiếp tục đến Kỳ họp thứ 9 có Nghị quyết về thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới. Nhưng việc thể hiện ở trong văn bản, trong văn kiện của Đại hội như thế nào để thể hiện đúng với thực tế quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như đặt vấn đề công tác dân tộc, chính sách dân tộc đúng tầm, theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Theo đại biểu Quàng Văn Hương, các văn kiện từ Báo cáo chính trị đến Báo cáo tổng kết chiến lược, báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm chưa toát được nội dung liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc mà đã thể hiện được rất rõ trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian qua. Những vấn đề này thể hiện trong văn kiện chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc và chủ yếu tiếp cận dưới góc độ là xóa đói, giảm nghèo, không tách thành một mục riêng và chỉ đề cập mang tính lướt qua hoặc gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, mà chưa tiếp cận với góc độ chính trị, xử lý mối quan hệ mà thực tiễn đang đặt ra theo đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là các dân tộc tôn trọng bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Trong đặt vấn đề của các văn kiện hiện nay cũng chưa nêu rõ và đặc biệt là cũng chưa bám sát tinh thần của Kết luận số 65 ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới có nêu như sau: kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Do đó đại biểu đề nghị tiếp tục được làm rõ hơn.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Quàng Văn Hương nêu rõ, trong các văn kiện có nêu đến các khái niệm mà hiện nay Chính phủ cũng đang hoàn thiện là việc xác định các vùng. Ngoài 7 vùng kinh tế có các vùng đặc thù, thì trong này có cụm từ vùng sâu, vùng xa. Hiện nay cụm từ này nêu rất nhiều trong các văn bản của Đảng rồi kể cả trong các luật rồi các nghị định. Tuy nhiên, cụm từ này không xác định rõ nội hàm. Hiện nay chúng ta xác định miền núi vùng cao thì đã có quy định về tiêu chí rồi, phân định rồi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay Chính phủ cũng đang xây dựng; vùng đặc biệt khó khăn thì cũng đã có xác định rõ các vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mà Ủy ban Dân tộc đã xây dựng; khu vực biên giới thì cũng đã có tiêu chí; bãi ngang ven biển, hải đảo cũng có tiêu chí rồi; nhưng cụm từ vùng sâu, vùng xa này nó rất khó, chưa xác định được thế nào là vùng sâu, thế nào là vùng xa và bao nhiêu là sâu, bao nhiêu là xa để liên quan đến việc xác định chính sách, trong các vùng mà văn bản đề cập đến chỉ có hai cụm từ này thì chưa được xác định rõ, sau này xác định chính sách như thế nào, mỗi địa phương có thể hiểu một cách. Do đó, đại biểu đề nghị phải làm rõ theo 2 hướng, nếu sử dụng cụm từ này thì phải giao cho cơ quan có thẩm quyền xác định rõ tiêu chí phân định liên quan đến chính sách, liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn nếu không thì sử dụng cụm từ đó nữa. Hiện nay các văn bản của Chính phủ đang xây dựng theo hướng vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, các tiêu chí phân định về bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng biên giới đều có rồi.
Đại biểu đề nghị trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược, tại mục 5, văn hóa xã hội, ở trang 15 đến 18, bổ sung nội dung đánh giá tổng quát về công tác dân tộc theo Kết luận 65 của Bộ Chính trị và tách thành một khổ riêng để khẳng định những thành quả, những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, không để gắn vào với chính sách giảm nghèo. Bổ sung đánh giá công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước.
Tại Mục 6, việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội và con người, mục hạn chế ở trang 29 về kết quả giảm nghèo đa chiều nên viết lại nội dung này rõ hơn là: kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và một số dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp, nhất là đối với người dân nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa các vùng miền và đề nghị bổ sung các dân tộc còn lớn, bất bình đẳng thu nhập trong dân cư có xu hướng gia tăng.
Cuối cùng, ở trang 58 cũng nêu về vấn đề chính sách dân tộc, đề nghị thể hiện: đổi mới và tạo sự chuyển biến rõ rệt việc thực hiện chính sách dân tộc, phát triển toàn diện, bền vững, hiệu quả về kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực của đồng bào các dân tộc, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các ngành, các cấp; tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.