Trong phiên thảo luận tổ về dự thảo văn kiện trình tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao và đồng tình cơ bản về các báo cáo; đồng thời đề nghị đánh giá sâu sắc hơn, phân tích sâu sắc hơn các bối cảnh, tình hình, căn cứ, cơ sở để xác định từng định hướng chiến lược và giải pháp thực hiện định hướng chiến lược; xác định tính trọng tâm, trọng điểm trong các đột phá chiến lược; cụ thể hóa hơn các nội hàm của đổi mới thể chế trong từng lĩnh vực; rà soát lại tính bao quát, rồi tính khả thi của một số các chỉ tiêu nhất là chỉ tiêu về mục tiêu và chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng để đảm bảo nhất quán trong các báo cáo.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng không thể đòi hỏi một cách cụ thể, chi tiết đối với báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội song cũng cần nâng tính cụ thể nhiều hơn trong các nhiệm vụ phải đổi mới. Đại biểu đặt vấn đề tại trang 52 đề cập đến đổi mới hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cách thức cổ phần hóa, đổi mới hoạt động hợp tác xã, đổi mới chính sách quản lý đất đai và nhiều nội dung đổi mới khác. Vậy đổi mới theo hướng nào? Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai với tính chất là một văn bản mang tính định hướng thì cũng gợi mở ra những định hướng đổi mới, có như vậy khi triển khai thực hiện sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Bên cạnh đó, có một vấn đề khi cách thức đề cập đến các mục tiêu. Đại biểu phân tích, đã là mục tiêu thì nó có 2 dạng: Dạng thứ nhất là định tính; Dạng thứ hai mang tính định lượng. Khi chúng ta đưa ra mục tiêu thì phải tính đến khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đấy có thành công hay không. Khi đọc kỹ văn bản thấy có những định hướng không biết nó là định tính hay định lượng, nó thiên về hướng hiệu triệu. Đại biểu chỉ rõ, điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế khơi dậy rất nhiều những vấn đề tác động vào con người như khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và ý chí sức mạnh dân tộc. Những vấn đề đó có tác dụng rất lớn giống như thắp lửa đối với người dân để người ta đi về phía trước. Nhưng khi đề cập đến mục tiêu cụ thể, nếu chúng ta đưa những câu mang tính hiệu triệu thì khi tổng kết, đánh giá cũng rất khó thực hiện. Vì vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng có thể chúng ta đặt những câu khát vọng hay ý chí, niềm tự hào đó ở một bối cảnh hoặc ở một đoạn nào đó thì nó phù hợp hơn. Khi đã vào mục tiêu cụ thể thì nó chỉ có 2 loại: Một là định tính; hai là định lượng để đến khi đánh giá sẽ khả thi hơn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, đối với lĩnh vực ngân sách, trong báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế, có 2 nguyên tắc khi cơ cấu lại ngân sách cần phải nhấn mạnh, đó là đối với chi thường xuyên cần phải nhấn mạnh mục tiêu tiết kiệm. Đối với chi đầu tư phát triển thì phải cần nhấn mạnh yếu tố hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả đầu ra. Bởi vì, có như vậy bảo đảm mới sử dụng nguồn lực, đồng tiền với tính chất là tiền thuế của người dân nó mới hiệu quả.
Về cơ cấu nợ công, đối với văn bản của Đảng thì cũng đề cập khái quát và trong đó đề cập đến việc nợ Chính phủ không quá 50%, nợ nước ngoài không quá 45%. Về căn bản không có đổi mới mang tính đột phá gì nhiều. Tuy nhiên, có một điểm cần phải lưu ý, đó là trong giai đoạn 10 năm tới đây thì đối với huy động nguồn lực ODA, lãi suất thương mại tăng lên rất là cao. Bên cạnh hỗ trợ không hoàn lại thì việc huy động nguồn lực ODA cũng hết sức thận trọng do thời hạn trả nợ ngắn hơn, lãi suất cao hơn, vì nó liên quan đến an toàn nợ công, cũng cần có tính toán thận trọng.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư, trong báo cáo có đưa ra mục tiêu đẩy mạnh hợp tác công tư, đây cũng là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn. Mục tiêu này đã đề cập được ở rất nhiều văn bản khác nhau, tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai thực hiện không hiệu quả. Hàng loạt các công chương trình mà chúng ta hướng tới là PPP thì đều không thực hiện được thành công. Vì vậy, với tính chất là một văn bản chiến lược lâu dài, cần phải đưa vào nguyên tắc là Nhà nước chỉ đầu tư những dự án công trình mà tư nhân không thể làm được. Đối với những dự án, công trình mà có thể phát huy nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước thì cần phải nghiêm túc thực hiện.
Thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội tại kỳ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị lưu ý đến tính khả thi của một số chỉ tiêu đối với lĩnh vực giao thông và kết cấu hạ tầng. Trong báo cáo cũng nêu rất rõ, đó là đưa ra hàng loạt các chỉ tiêu bao gồm phải hoàn thành 5.000 km đường cao tốc, mở rộng sân bay Nội Bài, triển khai đường sắt cao tốc, mở rộng một loạt sân bay xây dựng mới sân bay. Đại biểu cho rằng các mục tiêu này thì hoàn toàn có ý nghĩa đối với quá trình phát triển. Tuy nhiên, cũng cần tính toán trong mối quan hệ với nguồn lực thực tế. Bởi vì, nếu như trong những năm tới đây để thực hiện thành công những mục tiêu này thì cần phải nguồn lực rất lớn. Do đó cần rà soát để làm sao phù hợp với thực lực ngân sách trong giai đoạn hiện nay.
Về tính bao quát của các chỉ tiêu, đại biểu chỉ rõ trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế mới chỉ đề cập đến 3 mục tiêu, ở 3 lĩnh vực, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi đó, còn một số những lĩnh vực khác như là văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao thì ở trong phần mà Chiến lược phát triển kinh tế chưa đề cập đến. Sẽ toàn diện hơn nếu như cũng khái quát và đưa vào những mục tiêu như vậy.
Về tính hợp lý của một số chỉ tiêu, đại biểu cũng cho rằng cần cân nhắc thêm. Trong báo cáo chiến lược đưa về tỷ lệ che phủ rừng, hay đưa ra nhiệm vụ 100% cơ sở sản xuất phải đạt quy chuẩn môi trường. Đây là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên nếu như đưa ra mục tiêu 100% thì cần cân nhắc thêm. Bởi vì, tôi nghĩ với nền tảng của chúng ta hiện nay phải thực hiện thành công với mục tiêu 100% đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường mà lại tiêu chuẩn quốc tế nữa thì thực sự là rất khó.
Ngoài ra, liên quan đến các giải pháp, cách thể hiện của chúng ta thì có một số lĩnh vực chúng ta đưa ra những mục tiêu cụ thể, con số cụ thể, cũng có những mục tiêu chúng ta quy định chung chung, có sự trùng lắp giữa các mục với nhau cần rà soát lại một cách toàn diện để lược bỏ những phần trùng lắp./.