ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG CHẤT VẤN PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VẤN ĐỀ CỨU HỘ CỨU NẠN

27/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đã chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn vừa qua vẫn còn nhiều bất cập.

 

Vai trò của quân đội trong cứu hộ cứu nạn

Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn như năm 2020 vừa qua, vừa phải đối mặt với đại dịch Covid 19 toàn cầu, đồng thời vừa phải đối mặt với những trận mưa lũ lịch sử.

Chỉ trong tháng 10, năm 2020, khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của các cơn bão số 6, 7, 8, 9 và hoàn lưu bão gây mưa đặc biệt lớn dài ngày, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Do mưa lớn liên tiếp, dài ngày dẫn đến lũ dâng cao trên toàn 16 tuyến sông chính ở các tỉnh miền Trung đã gây ngập lụt trên phạm vi diện rộng, có nơi ngập sâu từ 2-3 m, như: huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất, đá tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị… gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn theo đó đã được các cơ quan chức năng của trung ương cũng như lực lượng tại chổ triển khai để hạn chế thấp nhất những con số thiệt hại.

Trước tình hình thiên tai phức tạp đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Lực lượng Quân đội giữ vai trò nòng cốt, thực hiện nghiêm các chế độ trực 24/24 giờ tại sở chỉ huy, chủ động nắm chắc tình hình về mọi mặt, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng xử lý hiệu quả mọi tình huống. Cùng với các lực lượng tại chỗ, lực lượng của các quân khu, quân chủng, binh chủng cũng đã vào cuộc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ. Hơn 90.000 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an cùng lực lượng xung kích của 6 tỉnh miền Trung đã được huy động để tham gia phòng, chống cơn bão số 9.

 Cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an tham gia cứu hộ 

Tuy nhiên, năm 2020 các tỉnh miền Trung đã phải gánh lấy những hậu quả vô cùng nặng. Đã có hàng chục cán bộ chiến sỹ và nhân dân trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn đã bị thiệt mạng do đất núi vùi lấp. Nhiều người dân gặp nạn trên biển mất tích hoặc cầm cự với thiên tai trên biển nhiều ngày kiệt sức và chết. Việc 9 thuyền viên của tàu Vietship 01 bị sóng biển đánh chìm khiến toàn bộ số thuyền viên trên tàu bị mắc kẹt trên biển. Lực lượng chức năng tại địa phương và Trung ương đã tiến hành cứu hộ. Tuy nhiên, do các phương tiện hiện đại tại địa phương không có sản nên công tác cứu hộ thiếu đồng bộ và chậm trể. Khi có phương tiện hiện đại đáp ứng được công tác cứu nạn cựu hộ đến hiện trường thì đã có nhiều chuyện không mong muốn xảy ra. Chiến sỹ Đoàn Văn Đức, Đại đội 8 trinh sát, Lữ đoàn 126 Hải quân Việt Nam cho biết trong quá trình cứu nạn do sóng lớn nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Chiến sỹ đã tính phương án bơi ra ngoài khơi mới có thể bơi ngược vào bở nơi có tàu mắc cạn mới có thể đưa người gặp nạn vào bờ được.

Thượng tá Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, cho biết đã huy động lực lượng cán bộ quân sự và dân quân tự vệ để phối hợp với Bộ đội Biên phòng để triển khai cứu hộ  đưa người mắc kẹt trên tàu vào bờ với phương châm là phải đảm bảo tính mạng cho các thuyền viên một cách tốt nhất.

Không riêng gì trên biển, mưa lớn liên túc diễn ra suốt tháng 9 và tháng 10 năm 2020 khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong những ngày sự cố sạt núi vùi lấp 22 chiến sỹ trong lúc làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả tại đoàn kinh tế Quốc phòng 337 thuộc xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Và để tiếp cận hiện trường, kịp thời đưa người bị nạn và tìm kiếm thi thể người bị vùi lấp hàng trăm chiến sỹ của lực lượng quân sự, Bộ đội biên phòng, chó nghiệp vụ, dân quan tự vệ và các lực lượng tại chổ của chính quyền địa phương đã được huy động thông đường đưa máy móc tráng thiết bị vào hiện trường vụ sạt núi để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết Đoàn cứu hộ liên ngành đã huy động 450 quân đến hiện trường để cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên trong qua trình di chuyển trên đường gặp rất nhiều khó khăn do núi tiếp tục sạt lở nên phải tiến hành thông tuyến.

Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn vẫn chưa quên được vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Trà Vân và Trà Leng của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vụ sạt lở đã khiến cho hơn 40 mất tích và tử vong. 2 điểm xảy ra sạt lở nghiêm trọng đều thuộc huyện miền núi cao và cách nhau 45km. Từ trung tâm xã Trà Leng đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên các lực lượng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận. Ngay lập tức, Trung đoàn 885, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Lữ đoàn Công binh 270 thuộc Quân khu 5 đã huy động lực lượng cùng các vật dụng như máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… ngay trong đêm vừa mở đường, vừa hành quân đến hiện trường để cứu hộ.

Lực lượng quân đội tham gia cứu nạn tại tỉnh Quảng Nam

Có thể thấy trong những năm qua, vai trò của lực lượng quân đôi, quân sự, dân quân tự vệ và lực lượng tại chổ của các địa phương có nhiều đóng góp quyết định trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.Tuy nhiên, để hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngày càng có kết quả cao, đặc biệt là trước tình hình thiên tai xảy ra một cách dị thường không lường trước thì bên cạnh có phương tiện kỹ thuật hiện đại thì các cơ quan chức năng nhất thiết phải chú trọng cho công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng cứu hộ đáp ứng được nhiệm vụ trong môi trường khắc nghiệt mới có thể đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, phải tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ đến mọi tâng lớp nhân dân. Đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/ 24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin về các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo quy định; Xây dụng, tổ chức thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ có huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất công tác phối hợp, quy trình tham gia cứu nạn, cứu hộ tại những sự cố, tai nạn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết hiện Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ huy ứng phó sự cố phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng tham gia công tác ứng phó phù hợp, trong đó lực lượng quân đội và công an vẫn là lực lượng nòng cốt trong quá trình ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và bên cạnh đó còn có các lực lượng của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, các cơ quan liên quan và đặc biệt là lực lượng tại chỗ tại địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện 4 tại chỗ.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của chúng ta còn hạn chế, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố thiên tai vừa thiếu, vừa chưa hiện đại, chưa đáp ứng được tình hình cụ thể. Nhiệm vụ tới cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bổ sung những gì còn bất hợp lý, chưa phù hợp. Yêu cầu là phải có một lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm, cứu nạn chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra.

Do đó, thời gian tới cần tập trung củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn các cấp, trong đó phải hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích ở cơ sở có tính chuyên nghiệp theo Nghị quyết 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Đây là vấn đề rất quan trọng. Tất cả thành công vừa rồi thì lực lượng tại chỗ có những nơi quyết định, chúng ta thấy rất rõ như vậy. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, sự cố, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn, như bổ sung thêm máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn thay vì hiện nay chúng ta phải kiêm nhiệm, bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, tàu lớn chịu được sóng to, gió lớn; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó các lực lượng và người dân với loại hình thiên tai, sự cố khác nhau.

Trong phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng đã đề cập đến một số nguyên nhân, trong đó có nói đến tính chuyên nghiệp của lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn yếu. Vậy cần có những giải pháp gì để hoàn thiện hơn nữa công tác cứu hộ cứu nạn cho lực lượng chức năng? Ngoài ra, công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân cần được thực hiện như thế nào để việc người dân “tự bảo vệ” cũng phải trở thành một trong những kỹ năng ứng phó trước sự cố, thiên tai? Phóng viên Truyền hình Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về vấn đề này:

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có ý kiến chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Trong trận lũ chồng lũ bão chồng bão lịch sử của 10 vừa rồi chúng tôi là một trong những địa phương đã chịu nhiều thiệt hại về  tâm bão và tâm lũ. Ngoài sự nỗ lực của địa phương đã huy động hết lực lượng tại chỗ tuy nhiên nguồn lực và nỗ lực tại chỗ không thể đáp ứng được nhu cầu trong công tác cứu hộ cứu nạn. Tại kỳ họp thứ 10 vừa rồi, tôi đã chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh đình Dũng về nguồn lực đầu tư cũng như những giải pháp trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cực đoan biến đổi khí hậu không lường trước được.

Chúng ta lâu nay chỉ nói nguồn lực lực lượng 4 tại chỗ rồi chỉ huy đồng bộ từ trung ương đến cơ sở nhưng trong thiệt hại lần này, đặc biệt thiệt hại về con người chúng tôi thấy rất là thương tiếc. Qua đó, thấy được năng lực, nguồn lực của chúng ta còn thiếu và yếu. Cho nên mong rằng trong thời gian tới Chính phủ phải đầu tư nhiều hơn về nguồn lực phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn. Phó Thủ tướng đã trả lời sắp tới sẽ trang bị nhiều hơn các trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng như tập huấn xây dựng được lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách tốt hơn.

Phóng viên: Sau khi chất vấn, Phó Thủ tướng đã đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu. Ông có đánh giá như thế nào về phần trả lời của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm và Phó thủ tướng cũng đã hứa trước quốc dân đồng bào sắp tới sẽ để xuất với Chính phủ để nâng cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi trong công tác phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn. Chúng tôi cũng cơ bản hài lòng, nhưng quan trọng là việc tổ chức thực hiện triển khai như thế nào cho đủ và quyết liệt kịp thời hơn nữa trong thời gian tới?

Phóng viên: Trong phần trả lời của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập một số nguyên nhân, trong đó kể đến tính chuyên nghiệp của lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn yếu; thiếu về phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố. Theo đại biểu, đây có phải là nguyên nhân chủ yếu không? Ngoài ra còn những nguyên nhân nào khác mà chúng ta chưa nhắc tới hay không?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Đây cũng là một trong những nguyên nhân phương tiện cho cứu hộ cứu nạn vẫn chưa đáp ứng được, có một số phương tiện xuống cấp nếu  đưa ra sử dụng là sẽ không chịu nổi sóng gió. Lực lượng cứ hộ lâu rồi cũng không được đào tạo, không được bài bản. Dám hy sinh để cứu người nhưng kỹ năng, năng lực và sức khỏe không đảm bảo.

Ví dụ như ở Quảng Trị, vụ cứu thuyền viên của Tàu Vietship 01, có nhiều ngư dân dũng cảm xung phong lên thuyền để ý nhưng thất bại. Ra đến nơi thì chìm xuồng ba người dân bị mắc kẹt, một ngư dân bị cuốn trôi. Cho nên, chúng tôi mong muốn rằng trong thời gian tới phải  đào tạo đội ngũ cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp hơn, và những phương tiện cứu hộ cứu nạn phải nâng cấp lên, Không phải toàn quốc giống nhau nhưng từng địa phương, từng vùng những tiểu vùng khí hậu khác nhau thì phải dựa trên cơ sở thực tiễn để chuẩn bị phương tiện lực lượng phù hợp để phòng tránh, để phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Như vậy, rõ ràng các Bộ, ngành, đơn vị đều biết rõ những hạn chế trong công tác cứu hộ cứu nạn hiện nay nhưng lại chưa thể đưa ra hướng khắc phục. Vì sao lại như vậy, thưa đại biểu?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Nguyên nhân thì có nhiều. Nguyên nhân thứ nhất do chúng ta chủ quan, mất cảnh giác. Theo truyền thống từ trước đến giờ chưa bao giờ lũ lên như thế nên tuyên truyền vận động di dời nhưng họ vẫn chủ quan. Có những nơi chưa bao giờ sạt lở đến mức độ như thế. Chưa có tiền lệ cho nên chủ quan. Trước hết là do ý thức cảnh báo rồi chủ quan mất cảnh giác của chúng ta.

Cái thứ hai là nguyên nhân về sự phối kết hợp, chủ động, sự linh hoạt, sự thường trực 24/24 trong những ngày cao điểm cũng không kịp thời.

Nguyên nhân thứ ba như tôi nói ở trên là do phương tiện, trang thiết bị, lực lượng chưa manh nên thiệt hại do trận bão lũ lịch sử tháng mười vừa rồi rất lớn.

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có những giải pháp gì để hoàn thiện hơn nữa công tác cứu hộ cứu nạn cho lực lượng chức năng, ngoài ra công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân cần được thực hiện như thế nào để việc người dân “tự bảo vệ” cũng phải trở thành một trong những kỹ năng ứng phó trước sự cố, thiên tai…?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Trước hết phải nâng cấp công tác cảnh báo dự báo thời tiết như thời gian vừa rồi dự báo rồi nhưng không có thời gian cụ thể để chúng ta chuẩn bị.Chuẩn bị kể cả thu hoạch mùa màng, cây trồng vật nuôi, di dời dân rồi những vùng sạt lở phải có những dự báo kịp thời có những tính toán để chúng ta quy hoạch dân cư.

Thứ hai, cần tuyên truyền vận động mạnh hơn nữa các kênh truyền thông. Thậm chí đến những hệ thống phát thanh ở cơ sở, mạng lưới phát thanh phải kích hoạt phải cảnh báo, tuyên truyền liên tục làm cho mọi người dân đều Ý thức được rằng sắp tới sẽ có những trận bão lũ như thế để có kế hoạch. Để khi chính quyền gọi họ đi họ sẽ di chuyển hoặc có những lúc chính quyền chưa gọi đi họ đã chủ động rồi vì. Vì tính chất nguy hiểm như thế cho nên không thể lơ là mất cảnh giác được bởi tính mạng con người rất quan trọng.

Thứ ba là phương tiện, lực lượng, hậu cần dự trữ. Có những vùng dự báo chúng ta không thể di dời được vì mấy chục năm mới có lũ  một lần. Ở Quảng Trị có những vùng bị cô lập nửa tháng cho nên công tác hậu cần rất quan trọng. Do đó cơ sở của chúng ta phải thật chắc, đầy đủ. Cho nên khi xảy ra tình huống mới thấy được những bất cập, tồn tại.

Hy vọng rằng, qua trận lũ lịch sử vừa rồi là bài học để từ nay trở đi ta xây dựng chương trình, kế hoạch từ tổ chức sản xuất đến phòng tránh giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu một cách linh hoạt và phù hợp nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Thực tiễn công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại địa bàn miền Trung vừa qua một lần nữa cho thấy vai trò nòng cốt của quân đội trong các tình huống cấp bách, thể hiện quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao của các đơn vị quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang  nói chung trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả các sự cố, thiên tai. Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai đang có diễn biến theo hướng cực đoan, bất thường thì việc sẵn sàng các giải pháp, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến hiện đại hệ thống cảnh báo, chuẩn bị các kịch bản ứng phó… là những việc làm cần thiết. Trong đó việc chuyên nghiệp hoá lực lượng ứng phó thiên tai, phòng chống cứu nạn cần được chú trong thực hiện trước nhất để hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngày càng có kết quả cao./.

Thanh Hải