ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ: SỚM TRIỂN KHAI XÂY DỰNG QUY HOẠCH VÙNG GẮN VỚI QUY HOẠCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG

08/11/2020

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng, gắn với quy hoạch các tỉnh, trong đó, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của vùng làm cơ sở hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đồng tình với đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó khẳng định: việc thực hiện các quy hoạch phát triển vùng kinh tế hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được liên kết giữa địa phương trong phát triển vùng, chưa quan tâm thỏa đáng đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp từ thực tiễn vùng miền núi phía Bắc. Đây là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa có liên kết thúc đẩy sự phát triển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của sự chênh lệch mức sống giữa miền núi với miền xuôi và đô thị. Đặc biệt, nơi đây là phên giậu của Tổ quốc, có vai trò giữ đất, giữ nguồn nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết phát triển vùng là hướng đi quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Đại biểu đề xuất 3 giải pháp nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể: Cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh, xác định những lợi thế và khó khăn của vùng để quy hoạch hợp lý các ngành kinh tế và các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Nhưng quan trọng nhất, đó là xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để định hướng thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Giải pháp thứ hai, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện để kết nối các tỉnh biên giới với thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng. Cần sớm triển khai đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, đặc biệt đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Hà Giang. Hiện nay, phía tỉnh Vân Nam đã xây dựng hệ thống cao tốc đến cửa khẩu Thiên Bảo, từ đó cả vùng sẽ phát triển dịch vụ logistics, đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế biên mậu.

Đại biểu cũng xin đề nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 4, 4c, 2c, 279, 34, 280 để kết nối các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây chính là đầu tư thông tuyến huyết mạch để cả vùng phát huy lợi thế phát triển du lịch về di sản thiên nhiên, về văn hóa và lịch sử. Đó là kết nối giữa thủ đô kháng chiến với chiến trường Vị Xuyên và khu di tích Pác Bó, kết nối giữa công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với non nước Cao Bằng và các khu du lịch như Sa Pa, Hồ Ba Bể và những vùng ruộng bậc thang đẹp nhất của cả nước. Các tuyến đường đó sẽ góp phần rất lớn để phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của cả vùng và với địa hình hết sức đặc thù, tiềm năng cần được đánh thức. Kính mong Chính phủ cho nghiên cứu quy hoạch đầu tư sân bay để kết nối nội địa và quốc tế thuận lợi giúp cho vùng phát triển nhanh hơn.

Giải pháp thứ ba, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung, khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính, từng tỉnh hình thành không gian kinh tế vùng./.

Lan Hương