Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho ý kiến tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ngày 05/11/2020.
Cần giải phắp tổng thể ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong tình hình mới.
Trước tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu thực tế, những năm trở lại đây, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành trạng thái mới về khí hậu trên toàn cầu. Thiệt hại do mưa đá, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn diễn ra từ đầu năm ở các tỉnh khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ nửa đầu năm và cơn bão số 8, số 9 tại các tỉnh miền Trung vừa qua gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân và kinh tế của đất nước. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp toàn xã hội đã dốc lòng, dốc sức người, sức của, tài lực, vật lực để cứu trợ, giúp đỡ kịp thời giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành những kế hoạch, chính sách mang tính cụ thể, đồng bộ hơn trên quan điểm làm tốt công tác phòng ngừa. Cụ thể:
Gấp rút cụ thể hóa luật và đưa các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất và dân dụng. Quy định phù hợp với đặc điểm xu thế biến đổi từng vùng, từng địa phương.
Xây dựng chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho người dân ở các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, triều cường, vùng thoát lũ, vùng xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện.
Xây dựng chương trình tổng thể về ổn định dân cư, sắp xếp, di dời, bố trí dân cư các vùng, các điểm nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nhất là đối với các vùng núi. Tôi được biết Bộ Nông nghiệp đã dự thảo chương trình này và đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu thông qua.
Điều chỉnh lại mục tiêu, nội dung chính sách và bổ sung nguồn lực, chương trình bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh chính sách cấp bù gạo cho người dân ở các vùng núi cao, vùng đầu nguồn xung yếu gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng. Chính sách này vừa qua đã được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế quy mô còn ít, hiệu quả chưa thực sự cao. Ba nội dung trên cần được bố trí vào kế hoạch ngân sách 2021 - 2025. Huy động và sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai đã được luật định. Tuy nhiên, theo thông tin báo cáo, nguồn quỹ này vận hành và hoạt động chưa hiệu quả sau 6 năm thực hiện. Mới có 60 tỉnh lập quỹ, với tổng thu là 3.500 tỷ, nhưng mới chỉ chi 1.808 tỷ, còn dư 1.692 tỷ, đây là con số rất lớn so với nhu cầu thực tế hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, hiện nay tình trạng nơi thu Quỹ phòng, chống thiên tai, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương thì không chi một đồng nào cho nội dung này. Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai, bão lũ nhưng không lập Quỹ phòng, chống thiên tai.
Mặc dù, Quốc hội đã thông qua chủ trương về huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình rõ những vướng mắc, do hành lang pháp lý, những quy định về quy trình, thủ tục, cơ chế quản lý thực hiện quá phức tạp; hay thiếu sự quan tâm của địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện. Điều này đặt ra câu hỏi về công tác quản lý nhà nước, liệu các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc đối với công tác này hay chưa. Đại biểu đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện tốt nội dung chính sách này, gắn với việc xây dựng và thực hiện các chương trình cụ thể nhằm phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.
Các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chính sách dân tộc. Tuy nhiên, theo báo cáo, đến nay vẫn còn những điểm hạn chế như trong 5 năm qua mới chỉ có 5% số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trong khi chỉ tiêu đề ra là 20% đến 30%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 1,2 lần ở các xã đặc biệt khó khăn, trong khi chỉ tiêu gấp 2 lần, mức thu nhập này chỉ bằng 1/3 mức thu nhập bình quân chung của cả nước. Đây là chỉ tiêu chất lượng phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích, trong tình hình hiện nay, việc phát triển sản xuất ở miền núi theo chiều rộng đã tới giới hạn, do khó khăn về điều kiện đất đai, giao thông và thị trường. Do vậy cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ trong phát triển, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp.
Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, mặc dù khoa học, công nghệ đã đạt được một số kết quả và tác động nhất định, nhưng vẫn còn hạn chế như thiếu các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề thực tiễn của sản xuất, đời sống của người dân đặt ra và thiếu tính liên kết vùng trong giải quyết những vấn đề chung. Một số nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ, hàm lượng khoa học chưa cao, nhỏ lẻ, phân tán, khó áp dụng triển khai mở rộng, chưa tác động đủ mạnh để làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chưa có sự khép kín từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng triển khai, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới kết nối được thị trường, kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền và người dân và đặc biệt là tạo nên chuỗi sản xuất và chuỗi quản lý.
Phân tích nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cơ chế, thủ tục quản lý trong khoa học, công nghệ nói chung còn phức tạp, nhất là về cơ chế tài chính và có nhiều điểm quy định chưa phù hợp, tạo nên rào cản chưa tạo nên động lực, thậm chí gây nản lòng những nhà khoa học chân chính. Nguồn lực khoa học rất hạn chế, chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ trung bình chỉ có 300 tỷ đồng một năm và ngân sách nhiều tỉnh chỉ bố trí được có 10 tỷ đồng một năm là con số quá ít ỏi, trong khi luật định quy định là 2%.
Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đổi mới trong bối cảnh mới. Ban hành nội dung chính sách phù hợp cho khoa học, công nghệ thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là về cơ chế, thủ tục, thời hạn triển khai và các định mức chi tiêu cũng như cơ chế quản lý khác. Bố trí kinh phí ưu tiên hợp lý cho các chương trình nghiên cứu khoa học nói chung cũng như trong vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là 3 chương trình liên quan đến chương trình khoa học của Ủy ban Dân tộc, chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ nông thôn, miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ và chương trình nông thôn mới. Đặc biệt là phân bổ ngân sách khoa học, công nghệ cho các địa phương ít nhất phải gấp 2 lần hiện nay, tức là đạt ở mức 20 tỷ đến 30 tỷ. Đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng chương trình khoa học, công nghệ chung cho vùng dân tộc thiểu số để giải quyết vấn đề đồng bộ, sát nhu cầu, khắc phục những chồng chéo, phân tán và ưu tiên bố trí giải quyết vấn đề cấp thiết và ưu tiên những nghiên cứu có sản phẩm rõ ràng, hiệu quả. Có như vậy mới thực hiện đúng theo quan điểm Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương, khoa học là quốc sách hàng đầu và là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.