Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trương Phi Hùng nhận định, kết quả phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta sau 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 khá thành công, có ý nghĩa tích cực, nổi bật, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tăng lên. Tình hình nhiễm HIV đã giảm cả 3 mặt là số người mới nhiễm, số chuyển sang AIDS, số người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS, kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất. Với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV, có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Song, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Góp phần thực hiện, hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030, về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS, theo tinh thần Nghị quyết số 20, Ban Chấp hành Trung ương. Do đó, đại biểu tán thành về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, đại biểu đưa ra một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người quan hệ tình dục với họ, quy định tại điểm (b) khoản 2 Điều 4 luật hiện hành. Đại biểu Trương Phi Hùng cho rằng bổ sung này là phù hợp, nhằm góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người này sang người khác. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung quy định người nhiễm HIV phải thông báo cho một đối tượng nữa là người sử dụng chung dụng cụ có dính máu như kim tiêm, biết về tình trạng nhiễm HIV của mình. Tình trạng này hay xảy ra trong thực tế và cần có biện pháp để phòng ngừa.
Đại biểu Trương Phi Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Thứ hai, về bổ sung một số đối tượng được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, quy định tại khoản 2 Điều 11 của luật hiện hành. Đại biểu Trương Phi Hùng thống nhất bổ sung, người có quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển đổi giới tính và các đối tượng khác như dự thảo luật. Ngoài các đối tượng có nguy cơ cao, đại biểu đề nghị bổ sung một đối tượng nữa cần được ưu tiên là học sinh, sinh viên, các trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng. Vì đây là đối tượng đông đảo của nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai của xã hội, rất cần được chủ động phòng ngừa HIV bằng các hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục đa dạng và thích hợp. Đại biểu cho rằng việc này cũng không gây tốn kém nhiều về mặt tài chính nhưng hiệu quả xã hội sẽ rất cao.
Thứ ba, về xét nghiệm HIV tự nguyện quy định tại Điều 27 luật hiện hành. Đại biểu thống nhất với quy định của dự thảo luật là người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ đủ 15 tuổi trở lên thay vì 16 tuổi như luật hiện hành mà không cần có ý kiến của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ nếu bị nhiễm. Sự sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tế là cần phát hiện, điều trị sớm cho lứa tuổi này, vì lứa tuổi này có xu hướng nhiễm HIV ngày càng tăng, vừa bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe của trẻ, vừa tránh được lây lan cho cộng đồng, cũng như phù hợp với cách ứng xử của nhiều nước trên thế giới. Quy định này cũng đảm bảo chặt chẽ về bí mật thông tin đối với trẻ bị nhiễm HIV.
Thứ tư, về nguồn lực cho phòng, chống HIV được quy định tại Điều 43 của luật hiện hành. Đại biểu nhất trí theo dự thảo luật, đề nghị bổ sung cụm từ "cùng với các nguồn lực khác" vào khoản 2 Điều 43 để khoản này thành "hằng năm nhà nước dành một khoản ngân sách cùng với các nguồn tài chính khác để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt nam". Theo đại biểu Trương Phi Hùng, nếu chỉ từ nguồn ngân sách như dự thảo luật có thể sẽ không đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thứ năm, về đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV quy định tại Điều 44 của luật hiện hành. Đại biểu tán thành ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề nghị giữ lại quỹ này như luật hiện hành, bởi đây là một kênh có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác đang gặp khó khăn. “Đừng vì quỹ này được thành lập nhiều năm nhưng không đủ lớn hoặc từ ý định thành lập một quỹ chung về y tế trong tương lai mà từ bỏ nó. Hạn chế đó là do khâu vận động phát triển quỹ, sẽ có những tổ chức, cá nhân không đóng góp quỹ chung về y tế nhưng sẵn lòng đóng góp cho Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV để giúp đỡ đối tượng này, không chỉ vì họ mà còn vì lợi ích của cộng đồng và xã hội”, đại biểu Trương Phi Hùng nhận định.