ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH: CẦN CÓ QUY ĐỊNH XÉT NGHIỆM HIV BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NHÓM CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO

05/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Thị Yến Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã đóng góp một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng quy định tại khoản 2 điều 11 có sự trùng lặp về đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV, AIDS. Đại biểu chỉ rõ, tại điểm (a) khoản này quy định là người nhiễm HIV và thành viên gia đình của họ; trong khi điểm (e) khoản này lại quy định là vợ, chồng người nhiễm HIV hoặc của các đối tượng quy định tại các điểm (b), (c), (d) và (đ) của khoản này. Theo quy định, tại khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành: thành viên gia đình bao gồm vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, v.v.. Như vậy quy định tại điểm (a) đã bao hàm vợ chồng của người nhiễm HIV, do đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ đối tượng vợ, chồng của người nhiễm HIV khỏi điểm (e) khoản này để tránh trùng lặp. Bên cạnh đó quy định thành viên gia đình của họ là đối tượng rất rộng và rất khó thực hiện, do đó đại biểu đề nghị chỉ quy định tại điểm (a) về thành viên gia đình là những người đang chung sống với người nhiễm HIV.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Đồng thời tại điểm (d) khoản này, đại biểu đề nghị quy định “người có quan hệ tình dục đồng giới nam” được sửa đổi thành “người có quan hệ tình dục đồng giới” để bao hàm cả đồng giới nam và đồng giới nữ, do nguy cơ lây truyền HIV trong quan hệ đồng giới nữ tuy thấp hơn nguy cơ lây nhiễm HIV ở quan hệ đồng tính nam, nhưng không phải hiếm gặp. Nhiều người đồng tính có suy nghĩ sai lệch lạc về quan hệ tình dục đồng giới là hậu quả của việc thiếu những chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Bởi những đối tượng này thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, ít có chương trình cũng như các nội dung tham khảo dành riêng cho mình.

Bên cạnh đó, tại điểm (l), khoản này quy định phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm đối tượng trại viên cơ sở cai nghiện bắt buộc để quy định được đầy đủ, chặt chẽ và cũng phù hợp với điểm (e) khoản 1 Điều 30, vì các trại viên cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng là các đối tượng cần được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để tự bảo vệ, phòng vệ cho mình trước các nguy cơ lây truyền HIV/AIDS cho người khác, hoặc bị lây truyền HIV/AIDS từ người khác trong chính môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao.

Về vấn đề xét nghiệm HIV tự nguyện tại Điều 27 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1, việc quy định xét nghiệm HIV tự nguyện và Thông tư 33 năm 2011 của Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Đại biểu nhận định, trước đây HIV/AIDS được xem là căn bệnh của thế kỷ với nhiều ý kiến cho rằng những người nhiễm bệnh là những thành phần bất hảo; dẫn đến việc họ bị kỳ thị và xa lánh, tạo tâm lý không tốt, bi quan cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng Ban soạn thảo cần đánh giá lại việc xét nghiệm HIV tự nguyện và đề nghị chuyển sang quy định xét nghiệm HIV bắt buộc với ba lý do như sau:

Thứ nhất, do nhận thức của người dân về HIV/AIDS đã được nâng cao, nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm và hầu như không còn, đồng thời người nhiễm HIV cũng đã được tạo điều kiện hỗ trợ về hòa nhập cộng đồng và tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ hai, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS thì luật cũng cần quy định bắt buộc xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV nhằm được kiểm tra, sàng lọc và kịp thời phát hiện, điều trị sớm để kiểm soát tốt bệnh, giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thứ ba, khi người có nguy cơ cao bị nhiễm không được xét nghiệm HIV thì mọi người không biết để có các biện pháp phòng ngừa bị lây nhiễm HIV. Ngay cả bản thân người đó không biết mình bị nhiễm bệnh để thận trọng phòng, chống lây lan cho người khác. Theo đại biểu, việc này sẽ  rất nguy hiểm và gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và ảnh hưởng đến lợi ích sức khỏe của nhiều người.

Bên cạnh đó theo đại biểu Trương Thị Yến Linh, tại khoản 1 Điều 35 quy định: "Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế và phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác thì được miễn phí". Quy định như vậy được hiểu là phụ nữ mang thai có bảo hiểm y tế tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Tuy nhiên đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với trường hợp tự nguyện xét nghiệm HIV mà không theo yêu cầu chuyên môn thì Quỹ Bảo hiểm y tế không chi trả, mà sẽ thuộc những trường hợp khác theo quy định sẽ được miễn phí. Theo đại biểu, những trường hợp này nếu không có yêu cầu của chuyên môn, nếu có bảo hiểm y tế thì cần quy định sẽ có sự đồng chi trả một phần nào. Còn đối với những trường hợp không có bảo hiểm y tế thì phải tự chi trả. “Theo quy định hiện hành những trường hợp mà không có chỉ định của yêu cầu chuyên môn để xét nghiệm HIV thì những trường hợp này phải tự chi trả. Hiện tại, dự thảo luật quy định phụ nữ mang thai mà tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác sẽ được miễn phí đồng nghĩa với việc các chi phí cho việc thực hiện xét nghiệm HIV cũng sẽ thuộc về ngân sách nhà nước chi trả. Tôi lo nguồn lực sẽ khó đảm bảo” - đại biểu phát biểu.

Về tiếp cận thuốc kháng HIV được quy định tại Điều 39 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 của luật, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung thêm cơ sở cai nghiện bắt buộc để quy định được đầy đủ, chặt chẽ và nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhiễm HIV trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiếp cận với thuốc kháng HIV. Vì các đối tượng cả cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đã nhiễm và vẫn ở trong các cơ sở này cũng cần được tiếp cận thuốc HIV để tăng miễn dịch số lượng và sự gia tăng của virus, giảm được nguy cơ tử vong cho họ như đối với những đối tượng ở cơ sở giáo dục bắt buộc và một số nơi khác.

Hồ Hương