Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 38 điều quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp gảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia còn nhiều điều khoản cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn, ngay từ tên gọi của Luật cũng cần cân nhắc lại cho phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, đối tượng bị tác động cũng như cử tri. Về tên gọi của dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã trải qua nhiều lần điều chỉnh. Hiện dự thảo đang được Quốc hội cho ý kiến là dự thảo lần thứ 5. Dự thảo nhận được sự quan tâm, tham gia thảo luận, góp ý của các chuyên gia, đối tượng tác động đồng thời cơ quan soạn thảo cũng đã có sự khảo sát nhiều ngành, chuyên gia, … Tuy nhiên, hiện nay dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tên gọi của luật. Tôi cho rằng, tên gọi của Luật như ban soạn thảo đề ra vẫn chưa hợp lý. Vấn đề phòng, chống tác hại của rượi, bia có thể gây ra cách hiểu: phòng chống sẽ triệt tiêu, ngăn chặn ngành rượu bia, không cho sản xuất hoặc cấm đoán. Trong khi đó, mục đích của ban soạn thảo đề ra theo tôi hiểu là hạn chế việc sử dụng rượu, bia gây tác hại đến sức khỏe chứ chưa có quy định nào trong điều Luật là phải cấm sản xuất, cấm bán, cho nên sử dụng thuật ngữ “phòng, chống” trong tên dự thảo Luật theo quan điểm của tôi là chưa hợp lý. Theo quan điểm cá nhân tôi, nên đổi lại tên luật là “Luật kiểm soát các chất có cồn” sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay các nước trên thế giới cũng đã có luật về lĩnh vực này và phần lớn, các nước đều sử dụng thuật ngữ “kiểm soát” chứ chưa có 1 quốc gia nào sử dụng thuật ngữ “phòng, chống tác hại của rượu bia”. Vấn đề tên gọi rất quan trọng, tên gọi của luật sẽ ảnh hưởng đến nội dung, phạm vi điều chinh của dự án Luật. Cho nên tên gọi cuả Luật nên là “Kiểm soát tác hại các chất có cồn” sẽ phù hợp hơn.
Phóng viên: Thưa đại biểu, có ý kiến đánh giá phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn khá mơ hồ, chung chung. Đại biểu có đồng tình với ý kiến này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia. Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật như vậy cũng đã tương đối phù hợp và trực tiếp thể chế hóa nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng như các cam kết quốc tế.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có nội dung cấm bán rượu bia trên internet. Theo ý kiến của đại biểu, liệu quy định này có khả thi và phù hợp hay không, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ việc quy định cấm bán rượu, bia trên internet có lẽ không khả thi, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh doanh trên internet đang là xu thế chung hiện nay. Nếu quy định cấm bán rượu, bia trên internet là đi ngược với xu thế. Trên thực tế việc mua bán rượu theo cách truyền thống ở các siêu thị, đại lý quá dễ dàng, khi người tiêu dùng có thể mua rượu ở mọi nơi, mọi lúc thì việc cấm mua bán trên mạng không có tác động nhiều đến thực trạng sử dụng rượu bia.
Ngoài ra, việc kinh doanh rượu bia đã được pháp luật quy định, nên không thể cấm bán trên internet. Bán hàng trên internet là một phương thức mua bán xuất hiện phổ biến hiện nay. Chỉ có một hạn chế khi bán hàng qua internet là khó kiểm soát thuế. Tuy nhiên, hạn chế này đòi hỏi cơ quan thuế phải có trách nhiệm khắc phục và kiểm soát tốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!