ĐBQH NGUYỄN HỮU QUANG – THANH HÓA: CẦN NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ, CHỦ ĐẦU TƯ VÀ BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

17/11/2018

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và ban quản lý dự án.

Qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế vướng mắc cần được bổ sung những nội dung liên quan đến việc phân cấp phân quyền, quy trình thủ tục đầu tư, giải ngân các dự án, có như vậy thì trách nhiệm của người đứng đầu và hiệu quả đầu tư các dự án có dử dụng vốn đầu tư nhà nước mới được nâng cao. Thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong Luật Đầu tư công hiện hành, vừa đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp khắc phục sửa đổi Luật.

Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này, bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Phóng viên: Luật Đầu tư công đã có hiệu lực hơn 3 năm, và sau khi đi vào thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Theo đại biểu lần sửa đổi bổ sung này cần tập trung cốt lõi vào những nội dung nào?

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Cần khẳng định, mặc dù Luật Đầu tư công mới có hiệu lực thi hành trong 3 năm, tuy nhiên với những định hướng trong Luật Đầu tư công, và đặc biệt với Nghị quyết 26 của Quốc hội về trật tự, ưu tiên bố trí vốn trong đầu tư công, thì trong 3 năm vừa qua chúng ta đã đạt được những thành tích nhất định. Ví dụ như số lượng các dự án mới trong những năm qua là ít nhưng các dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã nhiều hơn so với những năm trước. Điều này đã khẳng định Luật Đầu tư công đã phát huy hiệu quả.

Mặc dù vậy trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công vẫn cần phải bổ sung chỉnh sửa một số điều nhằm phát huy hiệu quả của Luật cũng như phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công. Việc sửa đổi bổ sung Luật lần này cần phải đạt được những mục tiêu chính sau:

Thứ nhất, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, quyết định đầu tư không đúng mục tiêu chưa thực sự cáp thiết. Cần căn cứ vào Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội ban hành của ngành, lĩnh vực, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng tỉnh, trên cơ sở đó đưa ra một số nguyên tắc tiêu chí để các dự án đầu tư công phải nằm trong quy hoạch, trừ những trường hợp đặc biệt khẩn cấp như thiên tai hỏa hoạn.  

Thứ hai, tăng cường việc kỷ luật quản lý vốn. Thực trạng hiện nay có rất nhiều dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên quan trọng là vốn cho những dự án trên không đảm bảo tiến độ triển khai dự án, làm công trình kéo dài và kém hiệu quả. Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm và hàng năm việc quyết định đầu tư dự án phải dựa trên nguồn vốn có thể bố trí được theo các kế hoạch trung hạn đã đề ra.

Thứ ba, hiện nay các quy định của pháp luật liên quan có nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư công, tuy nhiên các dự án đầu tư công cũng là một dự án đầu tư chỉ khác là nguồn vốn công. Chính vì vậy, đã là dự án đầu tư cần phải tuân thủ đúng quy định của các pháp luật liên quan.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và ban quản lý dự án.

Phóng viên: Thời gian qua có một số công trình, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, tuy nhiên khi đi vào thực hiện, các công trình dự án này lại bị bỏ không, sử dụng không đúng mục đích hay không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát nguồn đầu tư. Theo đại biểu, hiệu quả đầu tư công cần được quy định như thế nào trong lần sửa đổi bổ sung này?

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Về quy trình phê duyệt dự án đầu tư, trong Luật Xây dựng đã được quy định rất chặt chẽ trong báo cáo đánh giá khả thi, đánh giá hiệu quả kinh tế hoặc hiệu quả tài chính. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các dự án đầu tư theo đúng quy trình đã quy định sẽ hạn chế được việc các dự án đầu tư kém hiệu quả.

 Về vấn đề quy hoạch, trong thực tế đúng là còn tồn tại những dự án không phát huy được hiệu quả, kéo dài thời gian và đội vốn, làm lãng phí thất thoát, đây chủ yếu là những dự án ngoài quy hoạch. Có thể do cơ chế “xin – cho”, do quản lý kém nên đã quyết định đầu tư một số dự án không thực sự cấp thiết.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đại biểu!

Mai Trang