Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia nhằm tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chủ động có giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn thực trạng sử dụng rượu bia đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm đề xuất chỉnh sửa sao cho phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như thể hiện tính nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh.
Về tên gọi của dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia” hoặc “Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu bia. Có ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật kiểm soát rượu bia” để kiểm soát toàn diện các vấn đề về kiểm soát tác hại của rượu bia. Một số ý kiến khác cho rằng cần đổi tên thành “Luật phòng chống tác hại của đồ uống có cồn” để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật.
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Phải đảm bảo yếu tố an toàn về chất lượng cao đối với đồ uống có cồn và chống rượu bất hợp pháp phải là trọng tâm chính của dự luật nhằm bảo vệ doanh nghiệp có trách nhiệm và loại bỏ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, không đóng góp cho nền kinh tế và gây thất thu cho ngân sách nhà nước, gây tác hại xấu cho sức khỏe của người tiêu dùng. Từ những nhận định trên cần đổi tên dự thảo Luật thành “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia”.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Với tên gọi là dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là phù hợp, ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân, thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm của y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực.
Đại biểu Lê Thị Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Đại biểu Lê Thị Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Theo như tổ chức y tế thế giới, và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định không có một ngưỡng an toàn nào cho sức khỏe con người khi sử dụng rượu bia. Mặt khác, rượu bia chứa cồn và chất gây nghiện được xếp vào nhóm các chất gây ung thư nên khi sử dụng rượu bia thì mức uống sẽ tăng dần, theo thời gian sẽ dễ bị lệ thuộc trở thành con nghiện. Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên việc phòng chống tác hại của rượu bia phải được tiên shanfh chủ động từ sớm bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không dừng lại ở việc ứng phó với các hậu quả tiêu cực đã xảy ra.
Ngoài ra, đồ uống có cồn phổ biến nhất là rượu và bia chiếm 99,7% thị phần đồ uống có cồn. Thêm vào đó, rượu bia là tên gọi người dân quen sử dụng khá phổ biến nên khi luật có hiệu lực thi hành sẽ dễ hiểu dễ nhớ, dễ thực hiện, thuận lợi cho tuyên truyền và tiếp cận của người dân.
Đại biểu Trần Quang Chiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Đại biểu Trần Quang Chiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Đánh giá cao việc dự thảo Luật đã tham khảo các nước trên thế giới trong việc nghiên cứu các biện pháp và chế tài mạnh mẽ nhằm kiểm soát sản xuất rượu bia không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên cơ quan thẩm tra cần nắm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau và chịu sự điều chỉnh pháp luật khác nhau. Do vậy không nên đồng nhất giữa rượu và bia, để đưa ra các biện pháp chế tài giống nhau, như vậy là trái với pháp luật hiện hành.