Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chủ động có giải pháp phòng ngừa thực trạng sử dụng rượu, bia tràn lan, không có văn hóa, không có trách nghiệm và làm sai lệch đi khái niệm đúng về rượu, bia.
Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về việc khi đánh giá luật vẫn chưa thống nhất được các quan điểm về vấn đề văn hóa, sức khỏe hay lợi ích kinh tế. Cụ thể, nội dụng dự án Luật được tiếp cận từ góc độ sức khỏe và xã hội chứ không phải từ góc độ thương mại nhưng phần lớn các quy định tập trung vào hạn chế hoạt động thương mại, thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khỏe cộng đồng hay các vấn đề xã hội như uống rượu khi lái xe, bạo lực gia đình hoặc gây rối trật tự xã hội. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc quan hệ quốc tế bị ảnh hưởng khi có luật này, nhất là khi Quốc hội vừa thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Sử dụng rượu, bia là một nét văn hóa của người Việt Nam. Từ vấn đề giỗ, tết, lễ hội chúng ta đều sử dụng rượu, bia. Vấn đề quan trọng là sử dụng có trách nhiệm, đúng liều lượng và không được lạm dụng rượu, bia. Chúng ta đặt câu hỏi liệu rượu, bia có tác dụng hay không thì hòan toàn có thể trả lời là có. Vì vậy, chúng ta khẳng định rằng không thể nói rượu, bia hoàn toàn không có lợi, mà nếu dùng quá mức và lạm dụng đồ uống có cồn, trong đó rượu, bia là chủ yếu, thì sẽ có tác hại tới sức khỏe của con người. Cần thiết trong luật này là phòng chống tác hại của rượu, bia chứ không phải chống cái lợi của rượu bia, cho nên điều này là phù hợp.
Trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, chúng ta không bảo lưu bất kỳ điều nào, kể cả vấn đề cung cấp, đánh thuế rượu, bia và các nội dung khác liên quan tới CPTPP. Nên chúng ta hoàn toàn yên tâm ban hành Luật này mà không ảnh hưởng gì tới vấn đề tham gia hiệp định.
Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Trong quá trình thảo luận, các Đại biểu Quốc hội bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật, có thể thấy đây là một luật khó. Khó ở chỗ, Luật này có nhiều cách tiếp cận khác nhau; có thể tiếp cận về phương diện y tế, kinh tế, thương mại... Do đó, tôi đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ khi đã nghiên cứu và xây dựng dự án Luật và các quy định có thể áp dụng vào thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Mặc dù đã đưa vấn đề liên quan tới nấu rượu thủ công vào dự thảo Luật, tuy nhiên, tôi thấy chưa thực sự chặt chẽ về các quy định này. Đặc biệt, tại các vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vấn đề nấu rượu thủ công không phải ngày nào cũng nấu, mà khi có công việc người ta mới nấu. Quy định bây giờ là mỗi một lần nấu rượu phải đăng ký, báo cáo với Ủy ban nhân dân xã thì các thủ tục còn tương đối rườm rà. Do vậy nếu dự án Luật được ban hành thì cần quy định chặt chẽ hơn vấn đề này, để luật đi vào thực tiễn có khả thi cao; còn như hiện này còn rất khó.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Cá nhân tôi rất ủng hộ dự thảo Luật. Bên cạnh các vấn đề như ảnh hưởng tới vấn đề kinh tế đất nước, kinh tế gia đình hay vấn đề liên quan tới sức khỏe con người... Tiếp cận từ yếu tố văn hóa: Nếu nhìn từ góc độ uống rượu, bia là văn hóa, phong tục tốt đẹp của người Việt thi tôi không phủ nhận. Tuy nhiên, quá lạm dụng rượu, bia và dẫn tới làm hình ảnh người Việt, mối quan hệ giữa người Việt bị tác động xấu thì việc sử dụng rượu, bia cần phải điều chỉnh. Dự án Luật cũng cần có những tác động nhất định để làm đẹp hình ảnh của người Việt Nam hơn nữa./.