Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này là quy định về nâng chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo. Việc quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ trung cấp, cao đẳng lên đại học hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW: "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm" nhằm khắc phục thực trạng về đội ngũ giáo viên hiện nay "bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục". Để thực hiện được mục tiêu nâng chuẩn trình độ đội ngũ giáo viên theo đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần phải có lộ trình cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn.
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về mặt bằng chung trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở của nước ta hiện nay?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Để đánh giá về trình độ của giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở hiện nay thì có thể nói rằng, so với quy định của Luật Giáo dục hiện hành đã đạt trên 99% là đạt chuẩn. Đạt chuẩn ở đây được hiểu là giáo viên cấp tiểu học đạt trình độ từ trung cấp trở lên, giáo viên trung học cơ sở đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. Con số đạt trên chuẩn hiện nay cũng tương đối cao, ví dụ: đối với giáo viên tiểu học đạt trên 80% là trên chuẩn (đạt trình độ cao đẳng, đại học); giáo viên trung học cơ sở đạt trên 70% là trên chuẩn (đạt trình độ đại học). Có thể nói, mặc dù chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay nhưng đây cũng là con số rất đáng ghi nhận, thể hiện sự cố gắng của ngành giáo dục cũng như sự nỗ lực của các thầy cô giáo ở 2 cấp học này.
Phóng viên: Thưa đại biểu, theo tinh thần của Nghị định số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì chúng ta sẽ tiến tới giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ từ đại học trở lên và có năng lực sự phạm. Tuy nhiên, theo thống kê hiện có tới hơn 239.000 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở chưa đạt chuẩn. Vậy, đây có phải là thách thức lớn đối với ngành giáo dục hay không, thưa đại biểu?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Ban Chấp hành Trung ương có đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ nhà giáo. Cụ thể: phải tiến tới giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đều phải có trình độ từ đại học trở lên. Như vậy, nếu áp vào chuẩn mới này thì xét về đội ngũ giáo viên tiểu học chúng ta mới đạt 51% giáo viên tiểu học có trình độ từ đại học và đối với giáo viên trung học cơ sở chúng ta mới đạt 70% giáo viên đạt trình độ đại học. Đây có thể nói là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục. Thời gian tới, để hoàn thành được mục tiêu như trong Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra là tiến tới trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải là đại học trở lên và phải có năng lực sư phạm thì nghành giáo dục phải tập trung bám sát theo chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW và có lộ trình thực hiện cụ thể.
Phóng viên: Thưa đại biểu, Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo quan điểm của đại biểu, quy định tại dự thảo có đủ chặt chẽ hay chưa? Và bên cạnh những quy định của Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp gì để thúc đẩy nhanh việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ giáo viên theo tinh thần của Nghị quyết 29?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong quá trình soạn thảo, xây dựng dự án luật nhưng để đáp ứng được yêu cầu đặt ra vẫn còn khoảng cách rất là xa. Nhiều nội dung trong dự thảo vẫn chưa cụ thể, chưa làm rõ được trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan trong phối hợp thực hiện.
Để tiến tới giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có trình độ đại học và phải có năng lực sư phạm thì trước hết, ngành giáo dục phải có sự bố trí, sắp xếp hết sức hợp lý đội ngũ giáo viên vì hiện nay tình trạng giáo viên đang thừa thiếu cục bộ giữa các cấp học, bậc học đang rất bất cập. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể để đào tạo cho giáo viên tiểu học từ 51% để đạt 100% và giáo viên trung học cơ sở từ 70% đạt 100% vừa phải có trình độ đại học vừa phải có năng lực sư phạm. Trong đó cần lưu ý, vấn đề bố trí, sắp xếp tinh giản đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thì cần có hướng bố trí sắp xếp như thế nào cho thỏa đáng. Đối với vấn đề tuyển mới cần thực hiện như thế nào cho hiệu quả; những yêu cầu về năng lực sư phạm trong đó phải thích ứng với bộ quy tắc ứng xử của ngành giáo dục phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng các trường đào tạo sư phạm hiện nay. Đây cũng là thách thức không hề nhỏ đối với ngành giáo dục, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành trong công tác đào tạo, tuyển dụng, phân bổ đội ngũ nhà giáo.
Trong Luật Giáo dục hiện hành chưa tháo gỡ được những bất cập hiện nay vì vậy trong Luật Giáo dục (sửa đổi) trình ra Quốc hội cần cụ thể hơn về những nội dung, yêu cầu đặt ra, trong đó phải rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong phối hợp thực hiện (nội dung nào thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục; nội dung nào thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và vai trò tham mưu cho của ngành giáo dục với Uỷ ban nhân dân các cấp như thế nào?). Tới đây, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cử tri để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo luật. Dự kiến dự thảo Luật sẽ tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV. Hy vọng Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay, tạo động lực, khuôn khổ pháp lý mới cho giáo dục nước nhà có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!