ĐBQH: NGÀNH TÒA ÁN, KIỂM SÁT ĐẨY MẠNH HIỆU QUẢ TRONG THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ ĐƠN KHÁNG NGHỊ

13/11/2018

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận - nêu rõ, qua nghiên cứu báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018, đại biểu bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, hạn chế mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã nêu trong báo cáo. Đại biểu chỉ ra rằng, thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, số lượng các đơn đề nghị kiểm tra xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao, kể cả khi đã có kết luận vụ việc được giải quyết đúng pháp luật hoặc không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì đương sự vẫn không đồng ý. Đồng thời, tố cáo các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng đã giải quyết, xét xử vụ án đó làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chiều hướng tăng và phức tạp. Từ những khó khăn, hạn chế và những nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đại biểu, các giải pháp còn thể hiện sự lúng túng, chưa thực sự căn cơ, cụ thể là:

Thứ nhất, một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đạt mức thấp là do đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu về số lượng và vừa có cán bộ thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ. Vậy nên, giải pháp về công tác cán bộ nếu chỉ nói chung chung là sẽ bố trí đủ nhân sự hoặc thực hiện giải pháp tạm thời là điều động hoặc biệt phái kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới lên cấp trên để thực hiện nhiệm vụ thì chưa hiệu quả lắm bởi vì nếu kiểm sát viên, thẩm phán có kinh nghiệm, có năng lực của cấp dưới được điều động, biệt phái cho cấp trên thì sẽ làm thiếu hụt nhân sự của cấp dưới làm cho các vụ án cấp dưới chậm được giải quyết, tồn đọng nhiều. Đại biểu cũng chỉ rõ, thực tế qua hoạt động tiếp công dân và tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri thì đã phản ánh về việc Toà án giải quyết chậm các vụ án là tương đối nhiều, hoặc có vụ việc chất lượng kiểm sát, xét xử của cấp dưới bị giảm xuống mà như thế lại là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu tại hội trường

Thứ hai, thời gian qua, mặc dù đã ban hành các quyết định về việc phối hợp giữa tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, giữa Toà án, Viện kiểm sát với cơ quan thi hành án dân sự và với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp có lúc chưa thật sự hiệu quả. Thông thường khi khiếu nại, tố cáo, những người tiến hành tố tụng trong vụ án hoặc đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm thì đương sự đồng thời thường đề nghị cả Tòa án và Viện kiểm sát giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà chỉ ra rằng, báo cáo thẩm tra, các báo cáo giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo của ngành tòa án nhân dân và ngành kiểm sát nhân dân năm 2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy ngành tòa án nhân dân và ngành kiểm sát nhân dân chưa ban hành quy trình quản lý thống nhất các vụ, việc; chưa ban hành các kỹ năng giải quyết đơn; kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù các đạo luật về tư pháp, phần lớn được ban hành từ năm 2015 và có hiệu lực được hơn 2 năm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của việc kéo dài thời gian giải quyết và chậm trả lời cho đương sự. Đại biểu cũng chia sẻ,  một bản án trong vụ án dân sự khi đang được đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chưa có kết quả giải quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì tâm lý của đương sự sẽ không đồng ý thi hành án, như vậy sẽ làm cho việc thi hành án bị kéo dài gây khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thi hành hoặc nếu vẫn thực hiện thi hành án thì đương sự sẽ tiếp tục khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan thi hành án dân sự hoặc khiếu nại, tố cáo chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí, có trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án xong thì bản án bị tòa án kháng nghị, hủy bỏ đã gây khó khăn cho việc thi hành án và xử lý hậu quả của việc thi hành kháng nghị đó.

Từ kết quả thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các cơ quan tư pháp nói chung và của ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân nói riêng, đại biểu đề nghị các ngành cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và tích cực hơn nữa nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhất là nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm trong thời gian tới. Đề nghị ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân đặc biệt chú ý về giải pháp công tác cán bộ và giải pháp để thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan tư pháp trong việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

 

 

Hồ Hương