CẦN CÓ CHẾ TÀI XỬ LÝ NGHIỆM MINH NHỮNG HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT DO LẠM DỤNG RƯỢU, BIA

09/11/2018

Sáng ngày 09/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên làm việc.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là một trong sáu dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật. Trước đó, tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu đồng tình với tên gọi của dự thảo Luật là "Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia". Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng tên gọi của dự án Luật nên là "Luật Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia" hay "Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn". Cũng có ý kiến cho rằng nên chính sách tăng thuế đối với các sản phẩm rượu bia, quản lý chặt chẽ việc sản suất tiêu thụ rượu có nguồn gốc sản xuất thủ công.

Để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự án Luật, bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu đánh giá như thế nào về tính cần thiết của việc xây dựng dự án Luật này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết của Bộ Y tế trong việc soạn thảo bộ luật. Bộ Y đã có trách nhiệm, quan tâm đến sức khỏe của cồng đồng nhân dân. Về tính cần thiết, việc ban hành bộ luật này là cần thiết, vì rượu bia trong khoảng một thập kỷ vừa qua đã gây nhiều tác hại trong đời sống sức khỏe, đạo đức xã hội… Do đó rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tác hại của rượu, bia và việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe con người?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp bệnh lý nặng, ung thư ác tính khó chữa... Tác hại của rượu, bia không chỉ dừng lại tại đó, nó còn làm nhiều gia đình tan nát, phát sinh nhiều hành vi trái pháp luật khi lạm dụng rượu, bia một cách không kiểm soát.

Nếu dùng rượu, bia có chừng mực, có nguồn gốc rõ ràng là điều tốt cho sức khỏe, nhưng nếu dùng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu tự chế không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ví dụ sử dụng rượu pha chế cồn hoặc cồn công nghiệp độc hại, sẽ ảnh hưởng tổn thương nghiệm trọng đến dạ dày, thần kinh, đặc biệt là chức năng gan, thận. Về mặt xã hội, nếu không biết điểm dừng khi sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến văn minh đạo đức con người, có thể gây ra những hành động trái đạo đức như bạo hành gia đình, phá hoại tài sản… đây là thực trang đang diễn ra ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Dự thảo Luật cần có những quy định nhằm thể chế hóa đường lối và các Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là phòng bệnh hơn chữa bệnh.  

Phóng viên: Theo đại biểu, trong dự thảo Luận cần quy định ra sao cho phù hợp thực tiễn?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cần xây dựng Bộ luật hài hòa giữa các khía cạnh như hạn chế độc hại do quá trình sản xuất để tạo ra rượu, bia; hạn chế sự lạm dụng rượu, bia; các biện pháp ngăn chặn những người lạm dụng rượu, bia không được gây ra những hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý nghiệm minh những hành vi này. Mặt khác, phải quản lý được nguồn gốc xuất xứ của rượu, bia, đề ra những quy định tiêu chuẩn cụ thể làm sao để sản xuất được những sản phẩm rượu, bia an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự văn minh trong sử dụng rượu, bia.

Phóng viên: Liên quan đến những quy định cấm quảng cáo rượu, bia, đại biểu có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về quy định cấm quảng cáo rượu, bia, theo quan điểm của tôi, không nên quảng cáo tràn lan bừa bãi, nói quá về rượu, bia. Tuy nhiên cũng không nên hạn chế và cấm vì cần phải có sự bình đẳng giữa các sản phẩn trong thương mại, rượu, bia là một mặt hàng sản phẩm trong xã hội hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đại biểu!

Mai Trang