Bố cục dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 02 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 02 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với phòng chống tác hại của rượu, bia nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu phòng chống tác hại của rượu bia. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia và thực hiện hiệu quả. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi tán thành với việc cần sớm ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, khi dự thảo Luật được thực hiện điểu chỉnh ba mục tiêu về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của rượu bia, chính vì vậy các cơ sở kinh doanh rượu bia có nhiều ý kiến đề suất khác nhau như dự thảo Luật chỉ nên là “Luật Chống lạm dụng tác hại của rượu bia” với mục tiêu chính là vẫn tồn tại, phát triển ngành công nghiệp rượu bia.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Hiện nay việc sản xuất rượu thủ công về quy trình sản lượng sử dụng đều không được quản lý chặt chẽ. Trong thực tế vừa qua, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là do sử dụng nguồn rượu sản xuất thủ công, không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, dự thảo Luật phải quản lý, kiểm soát được việc sản xuất và cung cấp rượu thủ công, đề xuất những yêu cầu về mặt quản lý, cần có những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để có thể quản lý được những cơ sở này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nếu dùng rượu, bia có chừng mực, có nguồn gốc rõ ràng là điều tốt cho sức khỏe, nhưng nếu dùng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu tự chế không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ví dụ sử dụng rượu pha chế cồn hoặc cồn công nghiệp độc hại, sẽ ảnh hưởng tổn thương nghiệm trọng đến dạ dày, thần kinh, đặc biệt là chức năng gan, thận. Về mặt xã hội, nếu không biết điểm dừng khi sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến văn minh đạo đức con người, có thể gây ra những hành động trái đạo đức như bạo hành gia đình, phá hoại tài sản… đây là thực trang đang diễn ra ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Dự thảo Luật cần có những quy định nhằm thể chế hóa đường lối và các Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đây không phải điều luật cấm uống rượu bia mà chỉ phòng, chống tác hại của rượu bia, giảm thiểu những rủi ro do việc sử dụng rượu bia một cách quá mức gây tác hại cho sức khỏe nói riêng và cho cả xã hội nói chung như gây tại nạn, thương tích sau khi sử dụng rượu bia... Theo thống kê nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới, nếu chúng ta giảm đi 1 đồng về các doanh thu từ rượu bia hoặc bỏ ra 1 đồng làm các công tác phòng chống tác hại của rượu bia thì chúng ta sẽ có lợi 9,3 đồng từ việc cắt giảm phí điều trị các biến chứng, bệnh lý có hại từ rượu bia gây ra.