ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN - TP. HỒ CHÍ MINH: CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP VÀ SẢN PHẨM VIỆT

08/11/2018

Sáng ngày 08/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xác định mục tiêu những tổng quát trong năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đa số các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá mức tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng năm 2018 của nước ta là hết sức ấn tượng. Đồng thời, các Đại biểu cũng tin tưởng vào những giải pháp phối hợp đồng bộ giữa Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành kinh tế Việt Nam sẽ đạt nhiều triển vọng cho năm 2019. 

Bên cạnh những thành quả nền kinh tế đã đạt được, cũng có nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong những tháng còn lại của năm 2018 và năm 2019. Phóng viên đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh để tìm hiểu sâu hơn về những thách thức và những cơ hội này.
 
Phóng viên: Các tổ chức nước ngoài đã nhận định rằng Việt Nam có rất nhiều triển vọng và nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là đã tăng trưởng nhanh trong khu vực cũng như trên thế giới. Đại biểu đánh giá ra sao về những nhận định này?
 
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh
 
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Như chúng ta đã biết, qua 30 năm của quá trình đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt bình quân 6,6 %/năm và là nước đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế theo xu hướng tiếp tục tăng khá, trong đó năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 đạt 6,81% và năm 2018 đạt trên 6,8%. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh thành công rõ nét thì chúng ta còn nhiều thách thức, đặc biệt đặt trong bối cảnh các nước đều cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vừa qua, các chỉ số về môi trường thuận lợi kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đều đã giảm 1 hạng mặc dù điểm là tăng lên. Vì vậy, còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó, phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt.
 
Khi chúng ta gia nhập các tổ chức thương mại thế giới, chúng ta ký rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, nổi bật gần đây chúng ta phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTPP - tất cả đều đòi hỏi phải chú ý tới nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm việt. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho thực hiện 3 chương trình đột phá, trong đó bao gồm: đầu tư công để nâng cấp cơ sở hạ tầng , thực hiện hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ban hành nhiều lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như có các văn bản hướng dẫn để triển khai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt nam hiện nay, đặc biệt là Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang chịu nhiều thách thức. Bên cạnh hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập thì cũng có hàng chục nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản. Đó là thách thức trong giai đoạn hiện nay.
 
Phóng viên: Hiện nay, thị trường tiền tệ đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Đại biểu đánh giá như thế nào về chính sách điều hành ở trong nước và cần có lưu ý gì để chúng ta ổn định trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới?
 
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh:  Sáng nay, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó có nêu mục tiêu tổng quát là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện điều đó, chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt, cùng với chính sách tài khóa phải hết sức chặt chẽ và kiểm soát được bội chi ngân sách cũng như trần nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển vừa qua, việc cán cân thương mại liên tục xuất siêu là yếu tố son trong kinh tế Việt Nam. Vì xuất siêu liên tục trong các năm vừa qua, chúng ta đã cải thiện được cán cân thanh toán vãng lai, từ đó dự trữ ngoại hối tăng khá. Với dự trữ đủ mạnh, chúng ta chủ động điều hành chính sách tỉ giá để ứng phó với những biến đổi bất thường từ sự biến động của tình hình tài chính quốc tế. Từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hàng lọat đồng tiền trên thế giới đều mất giá từ 10% tới 20% hay thậm chí 30%, nhưng đồng tiền của chúng ta đã kịp thời ứng phó, tạo được niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, vào đồng bán tệ của Việt Nam. Do đó, thị trường tiền tệ VN không có biến động lớn vì chúng ta đã chủ động được. Tuy nhiên, để làm đc việc này cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Muốn được như vậy, chúng ta phải cơ cấu lại khoản chi ngân sách, đảm bảo được chi đầu tư phát triển tiếp tục tăng trong tổng chi. Vừa qua chúng ta đã làm tốt điều này khi chi đầu tư phát triển tăng từ 23% tới 26% trong tổng chi. Ngoài ra, phải tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả để giảm được mức chi thường xuyên. ĐIều này chúng ta cũng đang làm được, giảm mức chi thường xuyên từ chiếm 68% xuống còn dưới 64%. Tiếp đến, chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái ơ cấu nền kinh tế. Chúng ta đã làm được một số việc như: trong cơ cấu đầu tư công chúng ta không đầu tư dàn trải mà đầu tư vào các công trình trọng điểm, đặc biệt là các cao tốc Bắc - Nam, sân bay Lâm Thành và hỗ trợ cho vùng sâu vùng xa để đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta cũng tái cơ cấu được các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao quản trị doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, hình thành Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Tôi tin với Ủy ban đó, chúng ta sẽ giúp việc sử dụng vốn tại các doanh nghiệp đó hiệu quả hơn.
 
Phóng viên: Vậy theo Đại biểu, trong thời gian tới chúng ta sẽ có những cơ hội lớn nào để phát triển kinh tế và tận dụng ra sao những cơ hội đó?
 
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh:  Việc hội nhập Quốc tế của Việt Nam hiện nay đang rất lớn với độ mở đã lên tới 200%, đứng thứ 7 thế giới về độ mở của nền kinh tế, cho thấy cơ hội hàng Việt Nam đi ra nước ngoài rất rộng. Vấn đề là làm sao tạo được chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo năng suất lao động với giá cạnh tranh thì chúng ta có cơ hội đi ra nước ngoài. 
 
Đồng thời, hàng nước ngoài cũng sẽ đi vào Việt Nam chúng ta, do đó phải đảm bảo được thể trạng của kinh tế Việt Nam chúng ta bằng cách nâng cao tính tự chủ và tính tự lực về kinh tế ở thành phần kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta có một trong những thế mạnh là du lịch. Chúng ta đã có định hướng xây dựng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chính sách phát triển du lịch còn rất khiêm tốn. Với những danh lam thắng cảnh đẹp, tiềm năng phong phú nhưng sản phẩm du lịch còn rất nghèo nàn. Do đó cần đầu tư cho ngành du lịch nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng là ngành "thiên thời địa lợi nhân hòa”, là ngành thế mạnh. Tuy nông nghiệp đã làm tốt được một số việc nhưng cần tiếp tục tái cơ cấu và đầu tư cho nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn và chuyên nghiệp./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội