Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, để sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, phải tuân thủ đầy đủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Để ngành chăn nuôi tiến sâu, rộng vào thị trường thế giới thì Chính phủ đóng vai trò quan trọng. Chính phủ phải có nhiệm vụ chia sẻ thông tin với người dân, làm tốt công tác tư vấn cung cấp thông tin và phải đưa ra những dự báo, định hướng thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó Chính phủ cũng phải là cầu nối giữa hộ nông dân với các đơn vị như nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, cụ thể hóa được những vấn đề này vào trong dự án luật thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi thì ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm là vô cùng cấp thiết và cần thiết đối với nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay.
Cụ thể áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ chỗ truy xuất nguồn gốc, từ nguồn cung an toàn thì khi sản phẩm đến với người tiêu dùng mới được an toàn. Bên cạnh đó hạn chế được mức thấp nhất người chăn nuôi sử dung chất cấm để đảm bảo sức khỏe của con người.
Đại biểu Mai Khanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình
Đại biểu Mai Khanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay có rất nhiều tiến bộ có thể áp dụng để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến chăn nuôi. Hiện chăn nuôi ở nước ta rất đa dạng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình cho đến chăn nuôi ở các trang trại với quy mô lớn, nhưng thực chất yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn hạn chế. Do vậy việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong chăn nuôi là cần thiết và cần đưa nội dung này cụ thể hơn vào trong dự án Luật Chăn nuôi/.