CẦN THỰC HIỆN NGHIÊM KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

08/09/2018

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung đề nghị xem xét việc kỷ luật ngân sách nhà nước chưa được thực hiện nghiêm và những yếu kém trong việc phân bổ, chi dùng ngân sách nhà nước của các địa phương vẫn chưa được khắc phục trong quản lý tài chính.

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Ngày 12/06/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chính thức có văn bản số 6888/BTC-KBNN trả lời chất vấn của đại biểu. Chưa thực sự hài lòng với văn bản trả lời của Bộ Tài chính, Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng: Quản lý sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả là 1 trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của bất kỳ Chính phủ nào nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn nhu cầu chi ngày càng lớn, tình trạng bội chi ngân sách thường xuyên thì việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như Chính phủ tiếp tục điều hành ngân sách theo nguyên tắc tuân thủ nghiêm kỷ luật chi tiêu ngân sách là cần thiết.

Đại biểu Mai Sỹ Diến trao đổi với phóng viên về kỷ luật ngân sách nhà nước

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung tại văn bản trả lời của Bộ Tài chính?

Đại biểu Mai Sĩ Diễn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Trong phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã lý giải được trách nhiệm của Bộ Tài chính trong vấn đề kiểm tra, thẩm định báo cáo của các bộ ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cũng lý giải những vấn đề mà trong các báo cáo Kiểm toán cũng như báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra. Tuy nhiên, nội dung trả lời vẫn chưa thực sự đi vào trọng tâm câu hỏi chất vấn.

Nếu trong điều hành quản lý ngân sách mà vẫn tiếp tục quản lý điều hành theo kiểu hành chính thì những vấn đề tồn tại ở các Bộ, ngành, địa phương, đã được các báo cáo của Kiểm toán, Thanh tra Chính phủ, thẩm định của Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra vẫn không được khắc phục trong những năm tới. Tôi đồng ý với Bộ trưởng Bộ Tài chính là việc phân cấp cho chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước đã được phân cấp rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính trong trách nhiệm quản lý phải thanh tra, kiểm tra; phải có thẩm định và chấn chỉnh kịp thời để phát huy hiệu quả của ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính là đơn vị chủ quản.

Phóng viên: Việc hàng loạt các sở, ban, ngành của địa phương trong cả nước đã tiến hành phân bổ chi dùng ngân sách sai quy định như: không xác định cụ thể căn cứ nội dung chi, bố trí một số khoản thu đặc thù ngoài định mức, hoặc giao dự toán cho 1 số đơn vị nhưng ko có nhiệm vụ chi. Điều này phản ánh thực trạng gì thưa đại biểu?

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Điều này cho thấy kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước ở địa phương là không nghiêm; không được chấn chỉnh một cách kịp thời. Tiếp đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách không được thực hiện một cách nghiêm túc theo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và theo chương trình Chính phủ đã đề ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bội chi ngân sách, và năm sau thường cao hơn năm trước. Đây cũng là vấn đề khiến dư luận và cử tri rất bức xúc thời gian qua.

Phóng viên: Thưa đại biểu, những ý kiến chất vấn của đại biểu đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính như đã đề cập cho thấy kỷ luật ngân sách nhà nước chưa được thực hiện nghiêm và những yếu kém trong quản lý ngân sách nhà nước vẫn chưa được khắc phục trong 1 thời gian dài khiến cử tri bức xúc. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này thưa đại biểu?

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trường Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Thứ nhất, khi trình Quốc hội về dự toán ngân sách thì Chính phủ trình chi tiết những khoản, mục chi và được Quốc hội xem xét, phê chuẩn đến từng mục chi nhưng khi trình quyết toán thì lại quyết toán tổng thể và nhiều mục chi là được quyết toán tổng quát cho nên đại biểu quốc hội không có điều kiện nghiên cứu, phân tích xem các khoản chi được Quốc hội thông qua ở dự toán có được thực hiện nghiêm túc trong tổ chức chi hay không.

Thứ hai, thời gian trình quyết toán là 2 năm cho nên tính nóng hổi, thời sự trong kiên quyết thu hồi hoặc là không quyết toán những khoản chi sai dự toán là không còn tính thời sự. Thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng dự toán thu các bộ, ngành, địa phương thường không thể hiện đầy đủ các khoản thu; không phản ánh thực lực nguồn thu của địa phương để khi thực hiện là hoàn thành nhiệm vụ và thậm chí là vượt dự toán thu. Đây cũng là yếu tố tiềm ẩn tiêu cực, nếu thân quen bộ, ngành nào thì có thể đồng ý việc xây dựng dự toán không đúng với thực lực của bộ, ngành, địa phương đó.

Thứ ba, trong chi ngân sách khi trình các bộ, ngành, địa phương luôn trình chi ở mức cao để được phê duyệt và để có cơ sở chi; thậm chí có những khoản chi khi xây dựng dự toán như vậy nhưng trong thực tế không có nhu cầu chi lại phải chuyển nguồn để chi sang mục khác dẫn đến sai nguyên tắc, chế độ chi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong những năm qua có chênh lệch giữa quyết toán ngân sách và dự toán ngân sách.

Phóng viên: Với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ Tài chính vẫn duyệt chi bổ sung ngân sách 6.909,9 tỷ đồng trong khi ngân sách được duyệt tại các địa phương vẫn chưa được giải ngân hết. Theo quan điểm của đại biểu, trách nhiệm của Bộ Tài chính sẽ được xem xét như thế nào trong trường hợp này?

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Chính phủ trình với Quốc hội chi hỗ trợ các địa phương khó khăn về cân đối nguồn ngân sách là 6.909.9 tỷ đồng nhưng các địa phương chưa giải ngân hết các nguồn theo kế hoạch, chưa biết địa phương nào năm 2016 có mất cân đối hay không nhưng Bộ Tài chính vẫn căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội vẫn cứ chi.  Đây là điều rất đáng tiếc. Nếu Bộ Tài chính để lại và yêu cầu các địa phương phải giải ngân hết và đúng là mất cân đối, khó khăn về cân đối thì mới sử dụng nguồn này để chi hỗ trợ cho các địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp, nếu địa phương không khó khăn về cân đối, tự cân đối được thì nguồn này phải để lại, tiết kiệm để chi vào việc khác chứ không phải cứ Quốc hội phê chuẩn xong là chi ngay từ đầu năm khi các địa phương chưa giải ngân hết. Trách nhiệm của Bộ Tài chính ở lĩnh vực này, phải kiểm tra xem thực sự có mất cân đối hay không và dẫn tới việc là một số địa phương chi không có căn cứ, không có nội dung như Báo cáo 197 của Kiểm toán, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra. Đây là vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri không đồng tình.

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

 

Lê Anh