Về quan điểm: Trước hết xin được làm rõ thêm các trạm thu phí áp dụng hình thức thu phí theo lượt trên các quốc lộ đều có bất cập cố hữu (người sử dụng một đoạn đường ngắn nhưng nếu đi qua trạm vẫn phải trả tiền bằng người sử dụng toàn bộ đoạn tuyến hoặc người sử dụng đi lại trong phạm vi giữa hai trạm thì không phải trả phí). Từ ngày 31/12/2016 trở về trước, việc thu phí được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001; các Thông tư quy định việc thu phí do Bộ Tài chính ban hành không quy định miễn, giảm cho các đối tượng lân cận trạm thu phí. Sau khi chuyển từ phí sáng giá theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 (từ ngày 01/01/2017), xuất phát từ thực tiễn, Bộ GTVT đã triển khai giảm giá cho các phương tiện của tổ chức, cá nhân khu vực lân cận trạm thu phí và các phương tiện công cộng.
Các giải pháp áp dụng trong thời gian vừa qua đã làm giảm thiểu tối đa các bất cập, tuy nhiên không thể xử lý một cách triệt để. Để xử lý triệt để chỉ có thể sử dụng ngân sách Nhà nước mua lại dự án.
Về cơ sở pháp lý: Quá trình triển khai thực hiện dự án, Bộ GTVT có báo cáo Thủ tướng Chính chấp thuận chủ trương đầu tư, được các bộ, ngành và địa phương có ý kiến (một số dự án đặc thù có ý kiến đồng thuận của Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh); các dự án được triển khai cơ bản đúng quy định pháp luật. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Bộ Luật dân sự năm 2015 “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ihsc quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.” Hợp đồng dự án đã quy định Nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư trong trường hợp cơ quan nhà nước quyết định dừng thu phí, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và Luật đầu tư.
Về nguồn lực: tại phiên chất vấn (trả lời Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ), tôi đã trả lời: Hiện nay để xử lý những dự án này, chúng tôi cũng biết ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn, vừa qua để cân đối một số công trình trọng điểm với kinh phí nhỏ nhưng cũng khó cân đối được, vì nguồn vốn của chúng ta đã bố trí trung hạn. HIện nay cũng khó có thể bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ các dự án này, chúng tôi cũng đã báo cáo với đại biểu Quốc hội, khi Quốc hội biểu quyết nếu có khả năng cân đối các nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này.
Thực hiện nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017, Bộ GTVT đã dừng triển khai mới các dự án nâng cấp, cải tạo công trình hiện có. Một số dự án đang khai thác, quá trình thực hiện cơ bản phù hợp với quy định pháp luật, tuy nhiên quá trình vận hành, khai thác đã phát sinh một số bất cập. Bộ GTVT đã rà soát cụ thể và đề xuất Chính phủ các phương án xử lý bất cập, trong đó có một số phương án là nếu cân đối được nguồn vốn ngân sách, Nhà nước sẽ mua lại. Để mua lại các dự án, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định bố trí nguồn vốn./.