Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn tại kỳ họp
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chất vấn Chính phủ về việc có nên tiếp tục thí điểm dịch vụ Uber, Grab trước bối cảnh dịch vụ này phát triển một cách tràn lan, vô độ và gây thất thu thuế lớn cho nhà nước. Theo đại biểu Dương Trung Quốc trong quản lý loại hình vận tải dịch vụ Uber, Grab vẫn còn thiếu tính nhất quán từ phía Bộ chủ quản.
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về các biện pháp mà cơ quan chức năng quản lý dịch vụ Uber, Grab trong thời gian vừa qua?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Có một vấn đề hết sức thời sự mà chúng ta luôn nói đến là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đứng trước sự thay đổi trong đời sống, sự đầu tư của công nghệ, chúng ta có khái niệm taxi truyền thống và taxi công nghệ. Nếu nhìn trên tổng thể thì mối quan tâm nhất của các nhà quản lý xã hội là: taxi công nghệ liệu có mang lại sự phát triển bền vững, có tạo ra sự thay đổi căn bản hay chỉ là tạm thời của một giai đoạn đầu tư và dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng.
Vấn đề này, tôi đã chất vấn ở kỳ họp Quốc hội và phần trả lời của Chính phủ, tôi vẫn chưa thỏa mãn. Thứ nhất, nếu nói về quản lý số lượng, taxi truyền thống phải hạn chế số lượng để đảm bảo tương xứng với hạ tầng. Vậy đối với taxi công nghệ chúng ta không quản lý được, khiến số lượng vượt trội lên và rõ ràng đây là hệ quả chúng ta đang phải gánh chịu về sự quá tải so với hạ tầng. Thứ hai, chúng ta không thể không đặt cạnh tranh trong sự công bằng, bình đẳng. Trong quản lý nhà nước, dành nhiều yếu tố rất chặt chẽ đối với taxi truyền thống mà xưa nay chúng ta coi là đương nhiên. Trong khi đó, lại dành nhiều lợi thế cho taxi sử dụng công nghệ, từ ưu tiên đi lại đến các ưu tiên khác. Hiện nay, taxi công nghệ có quyền điều chỉnh giá cả cho nên giá rất là ưu trội. Taxi truyền thống vì không được cạnh tranh bình đẳng sẽ không tồn tại được thì tính độc quyền của taxi được gọi là sử dụng công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả như thế nào cho người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, mọi cách đặt vấn đề phải trên cơ sở rất bình đẳng, công bằng.
Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên về loại hình vận tải Uber, Grab
Phóng viên: Thưa đại biểu, thuật ngữ hợp đồng điện tử áp dụng cho Grab, Uber thì chỉ có ở Việt Nam còn trên thế giới thì không sử dụng thuật ngữ này. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về sự khác biệt này?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Sự khác biệt giữa quy định cũng như thuật ngữ sử dụng giữa các nước thì nên để các nhà chuyên môn phân tích. Vấn đề lo ngại, là dường như không có sự thống nhất trong cách thức quản lý từ chính trong Bộ chủ quản. Về vấn đề, quản lý Uber, Grab khi Bộ trưởng nói taxi thì Cục trưởng lại không thừa nhận taxi, sự trái khoáy này là không chấp nhận được trong bộ máy quản lý nhà nước. Do đó, không loại trừ có lợi ích nhóm ở đây. Mục đích cuối cùng, phải tạo ra sự bình đẳng dưới góc độ kinh doanh và cả góc độ xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng nên thể hiện rõ quan điểm của mình và quan điểm phải được thống nhất, nhất quán trong thực thi bộ máy. Hiện nay, vẫn còn tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược là điều không thể chấp nhận trong cơ quan quản lý nhà nước ở một lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như giao thông vận tải.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải cần phải xem xét như thế nào khi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý đối với loại hình vận tải Uber, Grab diễn ra trong một thời gian dài như vậy?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Cơ chế hiện nay vẫn đang tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Mặc dù, đã có những biểu hiện tương đối tích cực hơn trong quản lý loại hình vận tải Uber, Grab. Ví dụ như việc phải nhận diện những phiên tiện ứng dụng Grab nhưng đó mới chỉ là bề ngoài. Điều quan trọng đặt ra, loại hình dịch vụ này có đóng góp gì cho sự phát triển chung của xã hội. Ngoài khách hàng là đối tượng rất quan trọng cần đặt trong tương quan lợi ích của toàn xã hội. Uber, Grab đều sử dụng hạ tầng chung của xã hội tức là đóng góp của toàn dân. Vì thế, sự bình đẳng ở đây không chỉ đảm bảo cho sự công bằng mà còn đảm bảo trách nhiệm đối với sự phát triển chung của kinh tế xã hội. Nếu loại hình vận tải Uber, Grab nộp thuế ít có nghĩa là những phúc lợi xã hội hoặc những cơ sở hạ tầng sẽ bị hạn chế.
Bên cạnh đó, còn những bất cập, rủi ro khác phát sinh như việc rút lui của Uber cũng để lại không ít hệ lụy phải xử lý. Thời gian tới, công nghệ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn nếu chúng ta không xây dựng một nguyên tắc ứng xử nhất quán thì các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng hơn nữa và còn tạo ra sự rối loạn trong quản lý một lĩnh vực hết sức quan trọng của đất nước là giao thông.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!