Chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung của Chủ tịch Quốc hội có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội: Kinh tế, Tư pháp, Pháp luật; Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Tài chính, Ngân sách; Xã hội; Văn hóa, Giáo dục; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Văn phòng Quốc hội.
Cùng tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, đại diện thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN Lê Mạnh Hùng và lãnh đạo Tập đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi các cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn
Sau buổi làm việc, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở kết quả làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành văn bản số 1304/TB-TTKQH về thông báo kết luận làm việc của Chủ tịch Quốc hội.
Ghi nhận vai trò của Tập đoàn PVN và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trên cơ sở báo cáo, ý kiến của Tập đoàn PVN, ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các ý kiến của đại biểu và nhất là báo cáo, đề xuất, kiến nghị của Công ty BSR, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Tập đoàn PVN là doanh nghiệp nhà nước có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh năng lượng quốc gia và công tác an sinh xã hội; là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô hiệu quả của Nhà nước. Đặc biệt, trong 06 tháng đầu năm 2022, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra đối với các chỉ tiêu sản xuất quan trọng, hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách cả năm 2022.
Trong thành công chung của Tập đoàn PVN có đóng góp lớn của công ty BSR. Công ty BSR đã từng bước làm chủ công nghệ, duy trì sản xuất ổn định, cung cấp nhiều sản phẩm xăng dầu cho thị trường, đóng góp cho ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động với thu nhập ổn định, đào tạo được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân chất lượng cao trong công nghiệp hóa dầu; đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. BSR đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa nước ta hội nhập vào ngành lọc hóa dầu thế giới, khẳng định trình độ, năng lực trí tuệ con người Việt Nam và chất lượng, công nghệ của ngành lọc hóa dầu Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên kết vùng; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích đạt được của Tập đoàn PVN, Công ty BSR cùng toàn thể người lao động ngành Dầu khí.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn PVN và Công ty BSR, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của Công ty BSR và đề nghị các cấp ủy Đảng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Tập đoàn PVN, công ty BSR tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Triển khai hiệu quả để án cơ cấu lại PVN góp phần thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1748/QĐ TTg, số 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện dự án Luật Dầu khí sửa đổi dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Triển khai đồng bộ và có hiệu quả Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp của PVN, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực đã được đầu tư cũng như hình thành hệ sinh thái, phát triển chuỗi giá trị dầu khí nhằm tăng khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế của Petrovietnam trên trường quốc tế. Tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với đặc thù ngành dầu khí với trình độ kỹ thuật cao và mô hình kinh doanh trên nền tảng số; góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách; không đầu tư dàn trải; quyết liệt xử lý dứt điểm các dự án yếu kém, thua lỗ, tồn đọng kéo dài theo Đề án đã được phê duyệt. Đề xuất các cơ chế để tháo gỡ các nguồn lực, hỗ trợ và thúc đẩy các dự án đã được xếp theo thứ tự ưu tiên. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khảo sát thực tế tại công ty
Đối với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính; đánh giá toàn diện tác động của việc thay đổi cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về chất lượng khí thải để kịp thời có các nghiên cứu, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, nhất là trong điều kiện nước ta đang triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 về chuyển đổi năng lượng. Định hướng giữ thị phần lọc dầu và từng bước chuyển hướng phù hợp sang sản phẩm hóa dầu; chủ động xây dựng phương án tài chính phù hợp và thích ứng với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nghiên cứu, xây dựng Phương án tài chính thu hút nhà đầu tư có năng lực để tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn PVN và các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện và làm rõ tính khả thi, hiệu quả của Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Nâng cao năng lực và tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để góp phần nâng cao năng suất lao động, mức độ an toàn, tin cậy thiết bị/vận hành của Nhà máy, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất; nâng cao đời sống của người lao động.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ việc thu hút đầu tư các dự án liên quan đến phát triển hóa dầu
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi thẩm quyền của mình xem xét giải quyết cũng như phối hợp với các cơ quan của Chính phủ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu, xem xét các kiến nghị về sửa đổi các luật của Công ty BSR. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.... theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ việc thu hút đầu tư các dự án liên quan đến phát triển hóa dầu, chuyển đổi năng lượng và các Nhà máy lọc hóa dầu của Việt Nam.
Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của Công ty BSR trong quá trình nghiên cứu, rà soát Luật Thuế giá trị gia tăng và một số luật về thuế; báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan của Quốc hội nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện nội dung tại Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó yêu cầu: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”; làm việc với các cơ quan có liên quan để khẩn trương có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, nhất là Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT BKHCN-BTC, nhằm giải phóng nguồn lực tại Quỹ nêu trên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chủ động, thường xuyên rà soát, kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn PVN, Công ty BSR làm việc với Bộ Công thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, bảo đảm phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà máy lọc hóa dầu trong nước.
Về các kiến nghị đối với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, giao Tổng Thư ký Quốc hội chuyển các kiến nghị nêu trên của Tập đoàn PVN, Công ty BSR đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của PVN, BSR theo thẩm quyền và quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tỉnh phối hợp với chặt chẽ với Tập đoàn PVN và các bộ, ngành liên quan làm rõ tính khả thi, hiệu quả của việc xác định thành lập Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, nhất là khi đã cơ bản có hệ sinh thái phục vụ cho việc thành lập Trung tâm như: cơ sở hạ tầng, Cảng nước sâu, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành dầu khí phát triển vượt bậc trong thời gian qua...báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tập đoàn PVN, Công ty BSR chủ động phối hợp, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.