CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: LÀM RÕ CĂN CỨ, TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT SỬA ĐỔI LIÊN QUAN ĐẾN QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ, TIÊU CHUẨN CỦA ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

29/07/2022

Sáng 29/07, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (02 Nghị quyết). Cơ bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ căn cứ, cơ sở xây dựng Nghị quyết sửa đổi đồng thời lưu ý, xây dựng khung tiêu chí làm cơ sở để phân quyền quy định chi tiết đảm bảo sát thực tế,…

Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao về phát triển Thủ đô Hà Nội

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự buổi làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội,…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng  cũng như công tác phối hợp thẩm tra sát sao, chặt chẽ của Ủy ban Pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc phân chia lãnh thổ quốc gia thành đơn vị hành chính là tất yếu, có 02 nội dung đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn đơn vị hành chính và tiêu chí phân loại đô thị.Trên thực tế, địa phương nào cũng đề nghị cần sửa đổi 02 Nghị quyết này, cho thấy hiện nay đang có những vướng mắc trong triển khai.

Cơ bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng trong Tờ trình cần làm rõ hơn về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế đối với vấn đề phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuốc làm việc

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc làm rõ các căn cứ có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến các tiêu chí, tiêu chuẩn khác. “ Tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, trạm y tế chuẩn quốc gia, có nên áp dụng một tiêu chí chung cho tất cả các địa phương trong cả nước không hay phải quy định khung tiêu chí để từng địa phương thực hiện cho phù hợp với thực tiễn..”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Chỉ ra cách thức đã triển khai trong việc xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý vừa phải có tính thống nhất quốc gia nhưng đồng thời cũng phải có đặc thù địa phương. Dó đó, việc áp dụng tiêu chí không thể cứng nhắc, xem xét quy định khung tiêu chí chung – tối thiểu phải đạt được trên cơ sở đó phân cấp cho địa phương cho sát với thực tiễn.

Cho rằng, các tiêu chí, vấn đề sửa đổi đặt ra còn mang tính cảm tính, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ các căn cứ sửa đổi đối với từng nội dung, tiêu chí đưa ra, có sự phân tích/đánh giá đầy đủ dựa trên cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính và các vấn đề về dân cư, tôn giáo... để việc sửa đổi đảm bảo tính căn cơ.

Băn khoăn về phạm vi sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan thuyết trình, làm rõ hơn căn cứ lựa chọn, xác định phạm vi sửa đổi; lý do vì sao không đặt vấn đề sửa đổi toàn diện trong bối cảnh hiện nay cũng như lộ trình, định hướng tiếp theo trong việc hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính

Liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị: Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 04/15 điều (gồm các điều 2, 9, 12 và 13); bổ sung mới Điều 13a; bãi bỏ Điều 14 và thay thế các Phụ lục 1, 2 và 3 của Nghị quyết số 1210. Theo đó, ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị; hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị, rà soát, đánh giá phân loại đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị, dự thảo Nghị quyết tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa đổi quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù.

Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 10/32 điều; bổ sung 04 điều mới (gồm các điều 3a, 9a, 28a, 31a) và bãi bỏ Điều 10 (do chuyển nội dung về xác định tiêu chuẩn quy mô dân số sang Điều 29) của Nghị quyết số 1211. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 04 loại đơn vị hành chính (gồm tỉnh, thành phố thuộc trung ương, huyện, quận)

Xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 được ban hành năm 2016 nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và các tiêu chí phân loại đô thị quy định trong 02 Nghị quyết này tại thời điểm ban hành về cơ bản là cao hơn so với thực trạng các đơn vị hành chính, các đô thị đang có với mục đích nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ việc phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, khuyến khích việc sáp nhập và hạn chế tối đa việc chia, tách đơn vị hành chính.

“Qua 06 năm thực hiện, đặc biệt là qua kết quả sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 -2021 cho thấy, về cơ bản, cả 02 Nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các đơn vị hành chính, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại  đô thị, phân loại đơn vị hành chính và sắp xếp thu gọn số lượng các đơn vị hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 18 –NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương đặt ra yêu cầu về sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, Nghị quyết số 37 –NQ/TW của Bộ  Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành cính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Thực hiện các nội dung chỉ đạo này, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2019 -2021, cả nước đã thwujc hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành cính cấp xã, qua đó giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; có 267 đô thị được nâng loại; có 01 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, 04 thành phố thuốc tỉnh, 14 thị xã, và 144 phường được thành lập.

Từ những lý do nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của Chính phủ và các Bộ là chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Phạm vi sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết như Chính phủ đã đề xuất chỉ tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đơn vị hành chính và đô thị có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính là cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Làm rõ căn cứ, cơ sở lý luận/khoa học, kinh nghiệm thế giới

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, có ý kiến cho rằng, một số tiêu chuẩn trong dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình còn đang được quy định ở mức tương đối thấp; một số loại hình đô thị, đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù còn chưa xác định rõ về khái niệm, tiêu chí, cấp có thẩm quyền công nhận. Một số ý kiến đề nghị, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng cần tiến hành rà soát, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiêm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan; còn những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất thì tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn tập trung phân tích, căn cứ, cơ sở lý luận/khoa học, kinh nghiệm thế giới trong quá trình xây dựng Nghị quyết; làm rõ một số tiêu chí, tiêu chuẩn áp dụng đối với đô thị trong trường hợp đặc thù;…

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phát biểu giải trình, làm rõ và kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bố sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kiến nghị sửa đổi, bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị (Điều 2); sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù (Điều 9); sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị (Điều 12 và Điều 13);…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị; Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án phân loại đô thị và các báo cáo phân loại đô thị. Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu còn thiếu; quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc lựa chọn phương án sửa đổi đối với 02 Nghị quyết là phù hợp, thực hiện theo nguyên tắc chung là trên cơ sở kế thừa, đảm bảo tính ổn định, những vấn đề được lựa chọn sửa đổi là vấn đề lớn, mang tính đặc thù,…

Giải trình, làm rõ lý do vì sao không đặt vấn đề sửa đổi toàn diện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ hơn sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó, Bộ tập trung nêu rõ lịch sử hình thành, phát triển các đơn vị hành chính, gắn với các yếu tố về điều kiện tự nhiên, văn hóa, dân tộc, tôn giáo,…; làm rõ phạm vi sửa đổi; một số bất cập được tổng kết từ thực tiễn cần kịp thời tháo gỡ; sửa để thể chế hóa 1 bước thực hiện các Nghị quyết của Trung ương;…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận các cơ quan  tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết. Việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết là nhằm kịp thời thể chế hóa 1 bước chủ trương của Đảng về đơn vị hành chính và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;…. Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung các nghị quyết này trong bối cảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021”, kết quả giám sát sẽ cung cấp thêm các căn cứ, cơ sở thực tiễn quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, tạo cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2020 -2030 phù hợp, hiệu quả hơn;…

Cũng tại cuộc làm việc, các cơ quan thống nhất về phạm vi sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết. Theo đó, tiến hành sửa đổi những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiêm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan; còn những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất thì tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện.

Để tiếp tục hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, sớm hoàn thiện Hồ sơ trong tháng 8/2022. Theo đó, hai Bộ cần xây dựng Tờ trình bổ sung của Chính phủ, trong đó cần: tập trung làm rõ sự cần thiết sửa đổi từng Nghị quyết; nêu rõ căn cứ khoa học, chính trị pháp lý, các yếu tố về lịch sử; … ; phạm vi sửa đổi phải chỉ rõ lý do vì sao chỉ sửa đổi 1 bước, chưa tiến hành sửa đổi toàn diện; nội dung sửa đổi cần tập trung làm rõ các quy định chung, quy định đặc thù; …

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung Tài liệu tham khảo bao gồm kinh nghiệm quốc tế về sắp xếp đơn vị hành chính, đô thị; các biểu bảng phân tích/chứng minh; dự thảo Nghị quyết mới;... Đồng thời, trong quá trình sửa đổi, bổ sung 02 Nghị quyết đảm bảo thống nhất đồng bộ; báo cáo thêm những việc Chính phủ sẽ làm sau khi sửa đổi 02 Nghị quyết này,…

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Pháp luật chuẩn bị thông báo Kết luận trong đó nêu rõ những nội dung cần được Chính phủ tiếp thu, bổ sung ngay trong các dự thảo Nghị quyết, và việc hoàn thiện hồ sơ 02 dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2022.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc sáng 29/07:

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (02 Nghị quyết)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ các căn cứ sửa đổi đối với từng nội dung, tiêu chí đưa ra, có sự phân tích/đánh giá đầy đủ dựa trên cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính và các vấn đề về dân cư, tôn giáo... để việc sửa đổi đảm bảo tính căn cơ.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ xậy dựng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ,... tham dự cuộc làm việc tại Nhà Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy tán thành sự cần thiết cũng như phạm vi sửa đổi của 02 Nghị quyết

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kiến nghị sửa đổi, bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị (Điều 2); sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù (Điều 9); sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị (Điều 12 và Điều 13);…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc lựa chọn phương án sửa đổi đối với 02 Nghị quyết là phù hợp, thực hiện theo nguyên tắc chung là trên cơ sở kế thừa, đảm bảo tính ổn định, những vấn đề được lựa chọn sửa đổi là vấn đề lớn, mang tính đặc thù,…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của Chính phủ và các Bộ là chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính

Đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ hơn căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng 02 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, sớm hoàn thiện Hồ sơ trong tháng 8/2022. Theo đó, hai Bộ cần xây dựng Tờ trình bổ sung của Chính phủ, trong đó cần: tập trung làm rõ sự cần thiết sửa đổi từng Nghị quyết; nêu rõ căn cứ khoa học, chính trị pháp lý, các yếu tố về lịch sử; … ; phạm vi sửa đổi phải chỉ rõ lý do vì sao chỉ sửa đổi 1 bước, chưa tiến hành sửa đổi toàn diện; nội dung sửa đổi cần tập trung làm rõ các quy định chung, quy định đặc thù; …

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (02 Nghị quyết). 

Trên cơ sở cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Pháp luật chuẩn bị thông báo Kết luận trong đó nêu rõ những nội dung cần được Chính phủ tiếp thu, bổ sung ngay trong các dự thảo Nghị quyết, và việc hoàn thiện hồ sơ 02 dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2022./.

Lê Anh - Phạm Thắng