CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: 5 VẤN ĐỂ TRỌNG TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH XUẤT BẢN GIAI ĐOẠN CHUYỂN ĐỔI SỐ

10/10/2022

Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀ NGÀY CÀNG PHẢI LÀM TỐT HƠN

Toàn cảnh cuộc gặp mặt

Tham dự cuộc gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo; cùng các cán bộ lão thành ngành xuất bản in và phát hành sách và 86 đại diện tiêu biểu là những điển hình tiên tiến của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng được gặp mặt 86 đại biểu người làm xuất bản tiêu biểu - đại diện cho 57 nhà xuất bản và hàng ngàn cơ sở in, cơ sở phát hành trên cả nước về Thủ đô Hà Nội dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Sắc lệnh 122/SL đã mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước nhà. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều NXB đã đẩy mạnh thực hiện các xuất bản phẩm thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, giúp cử tri và Nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về các hoạt động của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những người làm xuất bản cách mạng đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bị truy lùng, đàn áp, xuất bản hàng trăm đầu sách với hàng triệu bản in để tuyên truyền, giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lênin, các phong trào cách mạng và công nhân quốc tế, các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng độc lập dân tộc cho quần chúng nhân dân. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, ngành xuất bản đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là vừa góp phần xây dựng nền văn hóa mới, văn hóa xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh chống lại văn hóa nô dịch của chế độ thực dân cũ và mới.

Từ sau năm 1975, ngành xuất bản tập trung nguồn lực để in nhiều bản sách cung cấp cho vùng mới giải phóng; xuất bản những tác phẩm có giá trị để phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; biên tập, xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, giảng dạy.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, song hành cùng sự nghiệp đổi mới, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Xuất bản năm 2012 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý khá đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Qua 10 năm thi hành Luật, hệ thống tổ chức các nhà xuất bản ổn định; các nhà xuất bản đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, năng lực, trình độ ngày càng được nâng lên; đội ngũ những người làm xuất bản có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng; việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp phát hành xuất bản với doanh nghiệp công nghệ đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống hôm nay có ý nghĩa đặc biệt, là thời điểm bắt đầu có Ngày chuyển đổi số Quốc gia hằng năm (theo Quyết định số 505 của TTCP ngày 22/4/2022). 

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc nhiều nhà xuất bản đã đẩy mạnh thực hiện các xuất bản phẩm thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, về những chính sách, quyết định quan trọng của đất nước và các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định. Đồng thời cho rằng, những ấn phẩm chuyên đề về hoạt động giám sát, về diễn đàn thảo luận chuyên sâu của Quốc hội đối với các vấn đề quốc kế, dân sinh được tổng hợp, biên soạn, phát hành, đã trở thành kênh truyền thông hiệu quả về chính sách, pháp luật, qua đó, giúp cử tri và Nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về các hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tạo sự đồng thuận để thực hiện thành công các chính sách, các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

5 vấn đề cần quan tâm để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành xuất bản, in và phát hành sách

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những thành tựu xuất sắc của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong suốt 70 năm qua, chúc mừng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in và phát hành trong cả nước và đặc biệt là 86 đại biểu được lựa chọn, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”. Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm một số vấn đề sau đây:

Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản nhằm mục đích phát triển ngành Xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành Xuất bản Việt Nam trong khu vực. Căn cứ Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản cần được hoàn thành vào năm 2023.

Cho rằng đại diện các nhà xuất bản là những người am hiểu sâu sắc về ngành xuất bản, nghề xuất bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan hữu quan phối hợp nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các nhà xuất bản, trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét.

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp Hội in Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia; xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.

Thứ ba, tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing), Internet vạn vận (IOT) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchian)...; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Thứ tư, phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông, trước mắt là hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; tăng cường đưa sách đến với bạn đọc tại các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; tổ chức đưa Ngày sách và văn hóa đọc hằng năm trở thành Ngày hội văn hóa đọc của bạn đọc trong nước và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trên cơ sở kết hợp giữa các Hội sách truyền thống và Hội sách trực tuyến, qua đó, tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc và lan tỏa tri thức đến với bạn đọc và Nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc ngành xuất bản ngày càng phát triển; giữ vững và phát huy tốt vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chúc toàn thể đội ngũ những người làm xuất bản cả nước có nhiều đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu tri thức; lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cũng tại cuộc gặp mặt, đại diện một số Nhà Xuất bản, Nhà in và phát hành sách bày tỏ suy nghĩ, cám xúc, định hướng phát triển của ngành trong tình hình mới nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam./.

Một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).

 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những ấn phẩm chuyên đề về hoạt động giám sát, về diễn đàn thảo luận chuyên sâu của Quốc hội đối với các vấn đề quốc kế, dân sinh được tổng hợp, biên soạn, phát hành, đã trở thành kênh truyền thông hiệu quả về chính sách, pháp luật, qua đó, giúp cử tri và Nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về các hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tạo sự đồng thuận để thực hiện thành công các chính sách, các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo về ý nghĩa chương trình Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam và gặp mặt tuyên dương những người làm xuất bản tiêu biểu.

Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên nêu lên một số thách thức của ngành trong tình hình mới, từ đó đề xuất định hướng phát triển của NXB là xác định ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản (đẩy mạnh tập trung sản xuất nội dung số, xuất bản số và truyền thông số, kết hợp 2 hình thức tự đầu tư và hợp tác với các đối tác để thực hiện).

Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại Cần Thơ Phạm Vũ Phương Linh khẳng định, thời gian tới tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, đặc biệt cùng các địa phương xây dựng Tủ sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếp tục đem sách về vùng sâu vùng xa, giới thiệu với độc giả các ứng dụng sách điện tử miễn phí, cung cấp nguồn thông tin chính thống cho bạn đọc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ xúc động khi Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian gặp mặt, động viên, ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của ngành xuất bản, in và phát hành. Đồng thời cho rằng các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội rất sâu sắc, thay mặt Ban Tuyên Giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đại biểu tiêu biểu của ngành, sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến chỉ đạo này để triển khai thực hiện có hiểu quả các nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp mặt.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho các đại biểu tiêu biểu của ngành xuất bản, in và phát hành sách.

Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu tiêu biểu của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Quốc hội.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác