CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀ NGÀY CÀNG PHẢI LÀM TỐT HƠN

10/10/2022

3554 lượt xem

Sáng 10/10, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những nội dung hết sức quan trọng, hệ trọng, khó, có những việc cũng chưa có tiền lệ. Do đó, đề nghị các thành viên phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế, nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến liên tục, sôi nổi đảm bảo cho phiên họp thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp Quốc hội.

TỔNG THUẬT SÁNG 10/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 09/10 

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bế mạc sáng 09/10. Theo dự kiến chương trình, phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 10-12/10. Trong thời gian 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 11 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản 3 nội dung khác.

Cho ý kiến toàn diện, khách quan đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và thể trách nhiệm phải càng ngày càng làm tốt hơn trước Nhân dân và trước cử tri cả nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại khai mạc Phiên họp thứ 16 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên họp thường kỳ tháng 10 là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong thời gian dự kiến 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định Kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó có liên quan đến tỷ lệ động viên, tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành, các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế vĩ mô, cân đối tài khóa, bội chi, nợ công, chỉ tiêu trả nợ, v.v..Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời căn cứ vào thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành và lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá thật sâu sắc về vấn đề này.

Cùng với đó, trên cơ sở kết quả của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội mà Quốc hội vừa tổ chức, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế, trên cơ sở quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị Trung ương 6 về những vấn đề quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến đánh giá những kết quả, thành tựu nổi trội của năm 2022, những vấn đề còn tồn tại, yếu kém, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp cho năm 2023 là năm hết sức quan trọng, trong điều kiện tình hình khu vực và thế giới diễn biến rất phức tạp và khó lường cả về dịch bệnh, địa chính trị, tình hình kinh tế trên toàn thế giới.

Toàn cảnh Phiên họp 

Về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đấy là nội dung đã được Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, theo đó, phạm vi cho ý kiến đối với tiền lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời gian vừa qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phát huy rất tốt chức năng thẩm tra, giám sát để phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị ý kiến cho Quốc hội xem xét những nội dung liên quan đến 3 lĩnh vực cả về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, trong phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần của phiên họp thường kỳ thứ 15, các phiên họp trước đây để ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, sôi nổi và rất trách nhiệm để chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình ra để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng.

Thứ hai, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu để hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội ngắn gọn nhưng sát thực nhất, thể hiện một cách đầy đủ, trung thực, khách quan nhất tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và của cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải là càng ngày càng làm tốt hơn trước Nhân dân và trước cử tri cả nước một cách khách quan, toàn diện nội dung này.

Bàn thảo kỹ lưỡng, chủ động tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc một cách "thấu lý đạt tình".

Thứ ba,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung phát sinh được Chính phủ đề xuất bổ sung.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội quy định các biện pháp và giải pháp đặc thù, đặc cách và đặc biệt cho Chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ, cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho cả Thường trực Hội đồng nhân dân địa phương có những quyết đáp đối với công tác phòng, chống dịch, những vấn đề chưa được quy định trong luật, có những vấn đề khác với quy định trong pháp luật. Thời hạn của Nghị quyết này nếu không có gì thay đổi thì đến hết 31/12/2022 là sẽ chấm dứt và nếu khi hiệu lực của nghị quyết này chấm dứt thì tất cả các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan có liên quan đến nội dung này cũng sẽ hết hiệu lực.

Các đại biểu tham dự Phiên họp 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến trực tiếp vào nội dung này, đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động tích cực của Nghị quyết 30 vào thành tích chung của đất nước trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, đặt trong những kết quả, thành tựu thời gian qua đã đạt được và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu hết hiệu lực thì trên cơ sở một số kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể, xem xét nội dung nào còn phải tiếp tục thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực trong 5 năm, nếu không có quyết sách tiếp của Quốc hội thì Nghị quyết sẽ hết hiệu lực trong năm 2022. Lần này, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết đến hết năm 2023. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng chỉ là giải pháp xử lý tình huống.

Tương tự, Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện được 3 năm nay. Song đây là 3 năm chịu tác động rất nặng nề của dịch cho nên kết quả triển khai còn nhiều mặt chưa được như mong muốn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở báo cáo sơ kết 3 năm để có kiến nghị, đề xuất gì đối với thành phố Hà Nội.

Các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp 

Ngoài ra, tại phiên họp này, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số các dự án BOT. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội đối với vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải cho ý kiến kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét và quyết định những vấn đề chín muồi. Cùng với đó, trên tinh thần sâu sát, cụ thể, thiết thực và tinh thần chủ động tháo gỡ những tồn tại, những vướng mắc nhưng cũng phải được bàn thảo một cách rất kỹ lưỡng, để làm sao cho "thấu lý đạt tình".

Về một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đồng tình quyết nghị bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đề xuất, nếu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 đối với nội dung này để sớm tổ chức thực hiện.

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về nhân sự tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến để chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí Bộ trưởng, trưởng ngành trong Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một số nhân sự cụ thể sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bộ nhận diện của Quốc hội mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về lần cuối đối với nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 4.

Nhấn mạnh, thời gian làm việc của phiên họp này chỉ có 3 ngày, những nội dung hết sức quan trọng, có những việc rất hệ trọng, khó, có những việc cũng chưa có tiền lệ, như là việc xử lý về BOT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế như các phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến liên tục, sôi nổi; đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham gia theo thẩm quyền, theo chức trách được giao, để đảm bảo cho phiên họp hoàn tất nội dung và thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 4./.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác