HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2022 CỦA HĐND CÁC TỈNH PHÍA NAM

21/03/2022

Sáng ngày 21/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trị Hội nghị.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố phía Nam năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Dự Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Thần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Niê KĐăm Thanh Hà; Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Lãnh đạo các tỉnh phía Nam, các Ban, ngành và gần 160 đại biểu Hội đồng nhân dân của 20 tỉnh, thành phố phía Nam.

Đây là Hội nghị tiếp theo các Hội nghị tổng kết hoạt động Hội đồng nhân dân và triển khai Nhiệm vụ năm 2022 đã được tổ chức thành công tại các tỉnh phía Bắc và Miền Trung.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có công sức, trí tuệ của Hội đồng nhân dân các cấp, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật; hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng chủ động, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn  thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị 

Năm 2021, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết đảm bảo thiết thực, sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.  Nhiều địa phương, Hội đồng nhân dân đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù như các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế  như vẫn còn tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân chậm. Việc chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp chưa nghiêm, còn phải thay đổi và bổ sung nhiều so với dự kiến. Chất lượng hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Hoạt động giám sát tại kỳ họp còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm.

Trong năm 2022, căn cứ các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách như hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hoạt động của Hội đồng nhân dân, thông qua hình thức tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động hằng năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở 06 khu vực trong cả nước nhằm chủ động nắm bắt những vấn đề mới, phát sinh để có giải pháp xử lý những kiến nghị, đề xuất của địa phương.. Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cần  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng nhân dân, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp để Hội đồng nhân dân hoạt động có chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tham luận của đại diện HĐND tỉnh Bình Phước tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, các đai biểu đã cùng tham luận về những định hướng hoạt động Hội đồng nhân dân trong năm 2022, chia sẻ những kết quả, đóng góp, phối hợp của HĐND trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tham luận của Lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những đổi mới trong công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các kết luận sau giám sát của các ngành có liên quan. Nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông của Thành phố mở ra các chương trình đối thoại, tạo diễn đàn dân chủ để tổ chức Đảng, chính quyền các cấp lắng nghe trực tiếp ý kiến, kiến nghị của người dân và tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Tham luận của Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước về những đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn và nâng cao chất lượng hiệu quả hậu giám sát, cho thấy các phiên chất vấn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên cần đổi mới hơn nữa phương thức, khắc phục tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn của người chất vấn, tránh tình trạng hỏi cho biết. Người được chất vấn cần chuẩn bị kỹ càng hơn tài liệu và mảng, lĩnh vực phụ trách.. Khắc phục tình trạng có nội dung chất vấn được nêu lên tại nhiều kỳ họp nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Hoạt động giám sát chỉ có hiệu lực, hiệu quả khi những kiến nghị, đề xuất qua giám sát được các cơ quan chịu sự giám sát tiếp thu, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại hạn chế, được các cơ quan có liên quan giải quyết triệt để. Để nâng cao chất lượng tái giám sát, tỉnh Bình Phước cho rằng, quá trình tái giám sát cần làm rõ nguyên nhân, mức độ trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan chịu sự giám sát để làm căn cứ đề xuất phương án xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang) tham dự chủ trì Hội nghị

Tham luân của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An nói về  kinh nghiệm và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trong đó Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thực hiện vai trò đồng hành, chủ động và dẫn dắt trong các công việc chung, nhất là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của địa phương. Đồng thời kiến nghị Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân nguyện của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn chỉnh, ban hành Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân để địa phương triển khai đồng bộ, thống nhất. Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác thi đua, khen thưởng đối với hệ thống các cơ quan dân cử, để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cả nước./.                                                                                                                                        

Đặng Linh - Doãn Tấn