CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

17/03/2022

Sáng 17/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nhằm hoàn thiện báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9.

 

Toàn cảnh cuộc họp

Dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn Giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó trưởng Đoàn Giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng Đoàn Giám sát. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Đoàn Giám sát, Tổ giúp việc; đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội...

Theo Báo cáo một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn Giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021. Căn cứ Kế hoạch chi tiết, Đoàn Giám sát ban hành các Công văn gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương; ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ đối với thành viên Đoàn Giám sát; có công văn đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp trong triển khai hoạt động giám sát.

Thành viên Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc đã tổ chức nghiên cứu, có ý kiến về nội dung các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc thấy rằng, cơ bản nội dung, thông tin, số liệu không đầy đủ theo yêu cầu. Đoàn Giám sát tiếp tục có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương gửi báo cáo và bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trung ương yêu cầu tập trung giám sát các nội dung theo yêu cầu và gửi báo cáo đúng thời gian quy định.

Sau Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn Giám sát sẽ tiếp tục triển khai một số công việc sau đây: Đoàn Giám sát họp phiên thứ hai để thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch giám sát các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Đoàn Giám sát trong việc rà soát, có ý kiến đối với các Bảo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Do khối lượng công việc và phạm vi giám sát rộng, trong khi báo cáo các bộ, ngành, địa phương nội dung không đầy đủ, thiếu nhiều thông tin, số liệu, Đoàn Giám sát sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; giao Tổ giúp việc trong tháng 4 làm việc và trao đổi với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương để rà soát, yêu cầu bổ sung đầy đủ nội dung, thông tin, số liệu theo yêu cầu.

Sau khi các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo, Đoàn Giám sát sẽ có báo cáo giám sát đối với các nội dung báo cáo của từng bộ, ngành, địa phương; Tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông – Vận tải; Y tế; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An (dự kiến trong tháng 4, cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2022).

Về phương thức giám sát, sau khi các bộ, ngành, địa phương bổ sung báo cáo nội dung, thông tin, số liệu chưa đầy đủ hoặc chưa thống nhất, Tổ giúp việc rà soát báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Trường hợp cần thiết, Tổ giúp việc có thể tới làm việc với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương để làm rõ các nội dung, thông tin, số liệu chưa thống nhất. Đoàn Giám sát sẽ căn cứ kết quả rà soát, báo cáo của Tổ giúp việc làm việc với các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung khảo sát, làm việc tập trung giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình tổng thể của Chính phủ hằng năm và 5 năm và các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các bộ, ngành, địa phương; mua sắm, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng bộ, ngành, địa phương dự kiến cụ thể nội dung trọng tâm giám sát.

Cùng với đó, Đoàn Giám sát sẽ tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát (dự kiến trong tháng 7/2022); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giảm sát để xin ý kiến các cơ quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng nhưng lại rất sát sườn. Nếu không có cách tiếp cận tổng thể thì không tránh khỏi tình trạng “bơi trong số liệu”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Do đó, báo cáo giám sát cần xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kết luận số 10 của Bộ Chính trị có nêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giám sát lần này cần phải đánh giá xem công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm đúng mức hay chưa, cụ thể thế nào, nếu chưa được quan tâm đúng mức thì cần phải chỉ ra được là ở cấp nào. Bên cạnh đó, thực trạng lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn; việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cần phải nêu được những vấn đề lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, đánh giá được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.

Thảo luận tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, chuyên đề giám sát rất rộng và có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm nguồn lực quốc gia về nhân lực, vật lực, tài lực. Đánh giá cao Đoàn Giám sát, đặc biệt là Thường trực Đoàn Giám sát và Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã triển khai kế hoạch giám sát có trách nhiệm, báo cáo bước đầu khá đầy đủ theo đề cương, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo cho rõ hơn, để chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, làm căn cứ để đề ra giải pháp cụ thể trong xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trong cuộc họp; hoàn chỉnh báo cáo bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9; chuẩn bị những yêu cầu về tiêu chí, kế hoạch làm việc, nội dung giám sát cụ thể để từng bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ, ngành khẩn trương bổ sung hoàn thiện báo cáo, tài liệu theo yêu cầu, chuẩn bị nội dung giải trình làm rõ các vấn đề. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền hình bám sát hoạt động của các tổ công tác và Đoàn Giám sát, kịp thời phản ánh các vấn đề giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổ giúp việc sẽ phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị nội dung cho phiên họp tiếp theo của Đoàn Giám sát, nhằm triển khai những kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định nội dung trọng tâm và phương hướng giám sát cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương; xác định lĩnh vực có dấu hiệu lãng phí; tham vấn, nhận diện các dấu hiệu này và chuẩn bị nội dung để làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi làm với Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo cho rõ hơn, để chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, làm căn cứ để đề ra giải pháp cụ thể trong xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo chỉ ra rằng, bước tiếp theo đề cương giám sát phải có nội dung điểm nhấn trọng tâm để giám sát sâu, chỉ ra vấn đề tồn tại, qua đó mới tìm ra giải pháp hiệu quả.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhất trí một số địa điểm tham gia triển khai giám sát; đồng thời cần giám sát chuyên sâu về việc sử dụng các dự án đầu tư, sử dụng đất đai...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long đề nghị cần cụ thể hơn về tiêu chí báo cáo và các nội dung đánh giá về hệ thống tư pháp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhất trí cách thức tiến hành giám sát là sẽ triển khai các nhóm nhỏ tại địa phương, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động....

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng phải đột phá một số lĩnh vực để minh chứng cho những đánh giá, nhận định gồm lĩnh vực đầu tư công, quản lý tài sản công, mua sắm công...

Hồ Hương- Nghĩa Đức