CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐÃ GIẢI ĐÁP NHIỀU VẤN ĐỀ

24/10/2023

Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về Báo cáo Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận thời gian qua các cơ quan đã tích cực thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội; cho biết qua tổng rà soát đã giải pháp được nhiều vấn đề quan tâm và nhấn mạnh yêu cầu cần phải cố gắng nhiều hơn nữa cả trong xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện.

THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: CHÚ TRỌNG GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: PHÂN TÍCH KỸ CÁC CHỈ BÁO ĐỂ CHỦ ĐỘNG CÓ PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH RÕ RÀNG

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ số 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết từ kết luận của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và diễn biến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã nhận diện thực trạng có một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao lại có tình trạng nêu trên, do vướng mắc về hệ thống pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện, hay do cả hai và mức độ đến đâu?

Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Để giải đáp cho vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp về việc giao cho Chính phủ tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có chứa quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thời gian qua, Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng và Bộ Tư pháp làm cơ quan thường trực. Đồng thời, để bảo đảm tính độc lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác về vấn đề này do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm cơ quan thường trực. Chính phủ đã tiến hành rà soát từ trung ương đến địa phương. Quốc hội đã đề nghị tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành rà soát độc lập. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo kết quả rà soát, Ủy ban Pháp luật đã có báo cáo thẩm tra. Kết quả rà soát đã góp phần giải đáp được vấn đề, nội dung các đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo đó, qua kết quả rà soát độc lập và tổng thể của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đối với 523 văn bản gồm 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ có chứa quy phạm pháp luật và 217 thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cơ quan đều đã đi đến những nhận định chung, thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đánh giá khái quát kết quả rà soát của Chính phủ, rà soát độc lập của các cơ quan của Quốc hội và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đều kết luận: “Các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế...”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, giải đáp được câu chuyện "cứ không làm được việc gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng. Chẳng lẽ năm ngoái tăng trưởng cao hơn là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay? Không phải như vậy. Tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và ngoài nước. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ, "cứ không làm được việc gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng nhưng nói “tất cả là do tổ chức thực hiện” cũng không đúng. Qua rà soát cho thấy vẫn còn có vướng mắc do hệ thống pháp luật, còn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý, nhưng số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn là không nhiều. Nhiều nội dung địa phương phản ánh thì thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu chưa đúng, hiểu chưa thống nhất hoặc địa phương hỏi nhưng bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một điều đáng mừng là có đến 70% nội dung chồng chéo mâu thuẫn được phát hiện qua rà soát lần này và nhận thấy cần được sửa ngay thì đều đã nằm trong các dự án luật đang trong quá trình sửa đổi và sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua như Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Một số nội dung khác đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đối với các nội dung phát hiện chồng chéo nhưng chưa có trong chương trình, chưa có trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp lần này để giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đối với một số nội dung được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát phát hiện nhưng chưa có trong báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bổ sung. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với những nội dung liên quan đến nghị định, thông tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan cố gắng rà soát, sửa đổi ngay để đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cả trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thực hiện đều cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, cũng trong phiên thảo luận tại Tổ 04, các đại biểu cũng cho rằng trên cơ sở kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có các giải pháp cho tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, cải cách các văn bản dưới luật. Ghi nhận kết quả đánh giá về việc thực hiện pháp luật song Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết hiện nay Chính phủ còn “nợ” nhiều nghị định, các bộ, ngành cũng còn “nợ” nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, nếu không có nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật cũng chưa thực hiện được ngay gây ách tắc, khó khăn trong điều hành quản lý của Nhà nước, khó cho chính quyền các cấp. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành để bảo đảm thuận lợi trong thực hiện.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ nhất trí với việc cần có giải pháp để kịp thời cải cách các văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu chỉ rõ có những nơi trong 2 năm ban hành đến 3 thông tư, hay có Bộ một lúc bãi bõ 3 thông tư cùng về một lĩnh vực cho thấy tính thiếu ổn định trong thể chế, không tạo cho người dân, doanh nghiệp có được sự yên tâm khi làm ăn, cũng như không bảo đảm cho điều hành, quản lý.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bảo Yến

Các bài viết khác